HÃY CẢNH GIÁC VỚI MỘT SỐ TÍNH CÁCH XẤU THƯỜNG XUẤT HIỆN TRONG QUÁ TRÌNH ĐẦU TƯ
Mỗi chúng ta ai cũng có những tính cách tốt và tồn tại một vài tính cách xấu. Các tính cách này bộc lộ hay không phụ thuộc vào các tác động từ môi trường xung quanh. Trong đầu tư trước áp lực của việc phải thường xuyên đưa ra các quyết định đầu tư, mua vào, bán ra, chốt lãi, cắt lỗ,…cảm xúc sẽ giao động mạnh làm cho các tính cách trong bản thân mỗi người thường bộc lộ ra gây ảnh hưởng lớn đến kết quả đầu tư. Nếu trong thời điểm quan trọng tính cách tốt bộc lộ sẽ cho ta có quyết định đúng đắn và mang lại kết quả tốt, nhưng nếu để tính cách xấu bộc lộ ra nó sẽ hạn chế rất nhiều đến kết quả đầu tư của chúng ta và nhiều khi chỉ cần một lần nó xuất hiện thôi cũng có thể phá hủy toàn bộ công lao, kết quả của chúng ta đã gây dựng từ trước đó. Việc nhận biết các tính cách xấu này là bước đầu tiên trong hành trình kiểm soát và dần theo thời gian sẽ hóa giải chúng. Sau đây là một số hành vi, tính cách xấu cần được nhận diện và giải pháp hạn chế nó:
1. Tính kiêu căng (tự tin thái quá): Người đầu tư muốn thành công cần phải có một sự tự tin lớn vào bản thân mình. Tuy nhiên chúng ta cần cảnh giác cao độ với sự tự tin đó, đừng để nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình đến mức bản thân không thể nhìn thấy được thứ gì khác ngoài ý kiến của chính mình, dẫn đến bức tranh mà ta nhìn thấy chỉ là những thứ trong phạm vi hạn hẹp, theo góc nhìn của bản thân, nhưng lại cho rằng đấy là bức tranh tổng thể, toàn vẹn của sự việc. Lúc này chúng ta đang bị sự tự tin thái quá lấn át làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đầu tư của chính mình. Việc ra quyết định đầu tư dựa trên cái nhìn tổng thể hạn hẹp của mình sẽ không thể có kết quả thành công tốt nhất được;
Cách hóa giải: Để hạn chế tính kiêu căng, tự tin thái quá tốt nhất là trước khi ra quyết định đầu tư nếu cảm thấy bản thân tin tưởng gần như tuyệt đối với những gì mình nghĩ mà không có một chút hoài nghi do dự nào, thì hãy dừng lại một chút suy nghĩ và đặt ra những câu hỏi mang tính đối nghịch với sự tự tin của mình. Ví dự như: Mình tự tin mua vào là đúng vậy thì ai là người đang bán ra? Tại sao họ lại bán ra? Và ngược lại khi mình tự tin cho rằng mình bán ra là đúng thì ai đang là người mua vào? Tại sao họ lại cho rằng mua vào là đúng?,…
2. Tính cường điệu (chủ quan ưa nịnh): Tính cách này thường xuất hiện khi chúng ta vừa thắng được một vài vụ đầu tư lớn và bắt đầu coi thị trường là nơi để ta thể hiện trí thông minh của mình và thích rao giảng về những thành công đã đạt được tới những người khác với giọng điệu kích động nhằm mục tiêu nâng cao danh tiếng cho mình để người khác coi mình là nhà đầu tư vĩ đại,…lúc này chúng ta đã bị cảm xúc chi phối và mất kiểm soát, trong đầu chỉ có mục tiêu chủ yếu là gây ấn tượng với đám đông mà quên mất đâu mới là điểm quan trọng của công việc đầu tư. Bản thân ra quyết định đầu tư trong tình trạng cảm xúc phấn khích cao độ, sự cổ vũ của đám đông quanh mình nên các quyết định thường mạo hiểm và thiếu thận trọng nên có nguy cơ thất bại rất cao.
Cách hóa giải: Để hạn chế tính cách này người đầu tư phải luôn có kế hoạch chi tiết đề ra kỷ luật nghiêm khắc với bản thân như: Hạn chế việc thảo luận các quyết định đầu tư của mình với người khác; Luôn tự nhắc nhở bản thân rằng: việc thành công hay thất bại vẫn đang ở phía trước, trong đầu tư dù trước đó có thắng được bao nhiêu đi chăng nữa nhưng chỉ cần một lần thất bại về sau cũng đủ quét sạch mọi thành quả mà ta đã có được, dần dần tính cường điệu sẽ biến mất.
3. Tính không kiên định: Những người mang tính cách này luôn có cảm xúc vui buồn thay đổi thất thường theo khối tài sản trong tài khoản của mình, nhưng thị trường thì không bao giờ ngừng dao động. Vì vậy người có tính cách này thường nổi cáu vô cớ với những người xung quanh, nên mọi người dần xa lánh và cảm xúc bản thân cũng dần mất kiểm soát, dẫn đến hành động nóng vội nên kết quả đầu tư thường rất kém. Do đó một số nhà đầu tư có kinh nghiệm khuyên rằng những người có tính cách này không nên tự đầu tư mà nên ủy thác cho người khác đầu tư hoặc mua các cổ phiếu quỹ,..
Cách hóa giải: Để hạn chế tính cách này người đầu tư cần học hỏi nâng cao hiểu biết của bản thân về thị trường, luôn xác định đã là thị trường thì luôn biến động có tăng có giảm và có cả đi ngang nữa,…khi đã xác định đúng đắn trong tư duy, suy nghĩ thì có thể kiểm soát được bản thân và duy trì mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình, luôn thận trọng trước khi hành động mua, bán và tránh việc ra các quyết định quan trọng trong lúc mình bị mất cân bằng về cảm xúc.
4. Tính thận trọng quá mức: Biểu hiện của người mang tính cách này thường có cảm giác không an tâm, lúc nào cũng muốn tìm hiểu thêm nữa, nên họ thường lao vào tìm kiếm thêm thông tin, phân tích một cách quá kỹ lưỡng tới mức làm cho bản thân chần chừ, không dám hành động, nên thường bỏ qua cơ hội, khi tham gia được thì thường chậm trễ so với người khác nên kết quả thu được thường kém cỏi.
Cách hóa giải: Để hạn chế tính cách này chúng ta cần xây dựng cho mình một kế hoạch đầu tư thật chi tiết, rõ ràng bao gồm các hành động cần thực hiện cho cả những kịch bản tốt nhất và xấu nhất có thể xảy ra. Lúc này chỉ cần tuân thủ kỷ luật, thực hiện đúng kế hoạch ban đầu là được.
5. Tính Hoài nghi quá mức: Biểu hiện của tính cách này là nghi ngờ mọi thứ một cách hoang tưởng, với họ những vấn đề bình thường cũng bị thổi phồng lên thành những vấn đề nghiêm trọng, do đó ngăn cản họ không dám thực hiện mua bán gì cả, vì trong suy nghĩ của họ luôn nhìn thấy mặt tiêu cực của vấn đề.
Cách hóa giải: Để hạn chế tính cách này người đầu tư cần học hỏi, thảo luận thường xuyên với những nhà đầu tư khác có quan điểm tích cực để có cái nhìn toàn diện hơn về những vấn đề đang xảy ra. Khi gặp vấn đề nào đó cần viết ra giấy suy nghĩ, cách đánh giá của mình về hai mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề, sau đó tham khảo ý kiến người khác về những vấn đề mà mình đã ghi ra để hoàn thiện cách nhìn vấn đề đó.
6. Tính hay sợ hãi (chạy trốn):Biểu hiện thường xuất hiện khi thị trường chung xấu kéo dài, khi chúng ta bị một vài vụ thua lỗ nên cảm giác chán nản muốn tìm cách rút lui không muốn giao dịch nữa, né tránh mọi hành động nên thường bỏ qua những cơ hội tốt (vì thường những thời điểm mọi người sợ hãi là thời điểm tốt nhất để mua vào).
Cách hóa giải: Để hạn chế tính cách này chúng ta cần xây dựng cho mình một kế hoạch đầu tư an toàn, chi tiết bám sát vào đó và thực hiện với tính kỷ luật cao. Đồng thời thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ những vấn đề của mình với những người đầu tư đáng tin cậy khác để học hỏi nâng cao niềm tin cho bản thân;
7. Tính liều lĩnh, lập dị: Biểu hiện của tính cách này là thường phá vỡ quy tắc và hành động bất chấp nguy hiểm mà không màng tới hậu quả. Lúc này cảm thấy mọi thứ đều rất thú vị nên không phân biệt được đâu là vấn đề quan trọng phải thực hiện trước, vần đề nào là phụ và không quan trọng để thực hiện sau. Do đó hành động tùy tiện không có sự ưu tiên, nên kết quả đạt được rất thấp và thường là thua lỗ.
Cách hóa giải: Để hạn chế tính cách xấu này tốt nhất là lập một kế hoạch đầu tư rõ ràng từng bước thực hiện và triển khai nó một cách kỷ luật;
8. Tính lập trường không ổn định: Biểu hiện tính cách này khi đứng trước đám đông sẽ mất lập trường của mình và bị đám đông dẫn dắt, hành động theo đám đông. Tính cách này rất nguy hiểm trong hoạt động đầu tư và rất nhiều nhà đầu tư mắc phải.
Cách hóa giải: Xây dựng cho mình một triết lý đầu tư phù hợp, lập kế hoạch đầu tư chi tiết cho từng vụ đầu tư và triển khai thực hiện theo kỷ luật đề ra. Tránh tiếp xúc với đám đông và những nhà đầu tư khác để hạn chế việc kích động ảnh hưởng từ họ;
9. Tính cầu toàn: Biểu hiện của tính cách này là chúng ta quá tập trung vào vấn đề tiểu tiết, dẫn đến làm sao nhãng mờ nhạt những vấn đề lớn, luôn chờ đợi cho đến khi mọi thứ toàn vẹn đến từng chi tiết nhỏ mới bắt đầu hành động. Nhưng trong đầu tư chứng khoán khi mọi thứ đã rõ ràng thì cũng đã quá muộn, mọi người đã hành động từ trước đó khá lâu. Do đó chúng ta chỉ là người đi sau khó có thể đạt được kết quả cao.
Cách hóa giải: Cần học hỏi nâng cao kỹ năng cho bản thân, luôn xác định thị trường là luôn biến động và không chắc chắn, hãy chấp nhận sự thật này và xây dựng phương pháp giao dịch của riêng mình trên cơ sở ưu tiên tập trung vào những những điểm quan trọng, sau đó hạ thấp dần và đến một mức nó đó theo bản thân mình là chấp nhận được hãy hành động mà không cần đợi đến sự toàn vẹn.
Trên đây là một số tính cách xấu thường bộc lộ trong quá trình đầu tư. Tùy vào điều kiện hoàn cảnh và tính cách của mỗi người mà các tính cách xấu này xuất hiện làm cho việc đầu tư của chúng ta thiếu sáng suốt dễ dẫn đến thất bại. Các tính cách xấu này nó tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, việc nhận diện ra và hạn chế không cho chúng xuất hiện là rất cần thiết đảm bảo cho sự thành công bền vững của mỗi người. Đặc biệt là trong những thời điểm đang gặt hái được một vài vụ đầu tư lớn thành công đây là lúc chúng ta dễ mất kiểm soát và các tính cách xấu dễ xuất hiện nhất, nếu không cảnh giác để kiểm soát chúng thì dù để chúng xuất hiện một lần thôi cũng có thể xóa tan hết mọi thành quả mà chúng ta gây dừng từ trước đó.
TVTinvest