CÓ PHẢI CỨ GIÚP ĐỠ VÀ CHO NGƯỜI KHÁC NHIỀU LÀ TỐT KHÔNG?
Trong cuộc sống có nhiều nghịch lý mà nhiều khi chúng ta tưởng là tốt như kết quả lại trái ngược. Như khi bạn càng cố cho đi thì những người xung quanh sẽ càng muốn nhận được nhiều hơn thế và rồi bạn sẽ nhận ra rằng nếu đối xử quá tốt với ai đó cũng có thể đem lại những điều tồi tệ cho họ. Sau đây là một số điều nghịch lý như vậy, hãy đọc và suy ngẫm trước khi cho ai cái gì đó:
1. Nếu bạn luôn sẵn sàng cho đi, người khác sẽ nghĩ đó là điều hiển nhiên
Nếu không vạch rõ ranh giới của bản thân, bạn sẽ được xem như một cửa hàng tiện lợi luôn sẵn có mọi thứ và bị lợi dụng vì điều này.
Xem trọng giá trị bản thân, đảm bảo nhu cầu của bạn được đáp ứng và thiết lập giới hạn không có nghĩa là bạn không có cảm tình với những người xung quanh. Nó chỉ có nghĩa là nhu cầu của bạn cũng quan trọng như của họ.
Nếu bạn nghĩ, mọi người sẽ thích mình hơn vì cho đi càng nhiều càng tốt thì bạn đã lầm, họ sẽ chỉ càng coi thường điều đó hơn thôi. Những người xung quanh sẽ đối xử với ta theo cách mà ta đối xử với chính bản thân mình.
Khi bạn bắt đầu đặt ra giới hạn và yêu cầu giúp đỡ khi cần thì mọi người sẽ bắt đầu chú ý và đánh giá cao những đóng góp của bạn.
2. Khi bạn cho đi Bạn sẽ nảy sinh những kỳ vọng không thực tế ở người khác
Khi đối xử quá tốt với ai đó, bạn sẽ bắt đầu mong chờ họ làm điều tương tự cho bản thân. Khi họ không đáp ứng được những kỳ vọng này, bạn có thể trở nên tức giận và bực bội.
Bạn có thể sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình cho bạn bè nhưng chưa chắc họ đã sẵn sàng làm điều tương tự cho bạn. Điều bạn cần phải hiểu là họ quan tâm đến nhu cầu của bản thân và trách nhiệm của bạn là làm điều tương tự với chính mình.
3. Mọi người sẽ đến với bạn chỉ khi họ cần thứ gì đó
Khi bạn quá tốt với mọi người, họ sẽ chỉ xem bạn là một phương án để giải quyết vấn đề. Mọi người sẽ chỉ đến với bạn khi họ nghĩ rằng bạn có thể giúp đỡ họ, bởi vì họ chỉ xem bạn như một công cụ giúp họ đạt được mục tiêu. Loại người này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nếu bạn không đặt ra ranh giới ngay từ đầu.
Chìa khóa để giúp bạn thoát khỏi các phiền phức là tìm cách nhẹ nhàng từ chối mà không cần cung cấp bất kỳ lý dó nào hay giải thích kỹ lưỡng để tránh dẫn tới tranh luận. Đôi khi bạn nên để người khác tự giải quyết vấn đề của mình hoặc giới thiệu họ với người có thể giải quyết nó chứ không nên ôm hết mọi việc vào mình.
4. Bạn sẽ quên đi việc phải tử tế với chính mình
Khi bận rộn chăm sóc người khác, bạn sẽ quên đối xử tốt với chính mình. Điều này có thể dẫn đến các nhu cầu cơ bản của bạn không được đáp ứng, điều này sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái trầm cảm và kiệt sức.
Khi dừng việc liên tục tỏ ra tử tế với người khác, bạn cũng sẽ không phải dựa dẫm vào bất kỳ ai hay ý kiến của người khác. Bạn sẽ có nhiều thời gian cho bản thân hơn.
5. Bạn sẽ bị coi là yếu đuối
Điều này không chỉ có thể dẫn đến việc người khác lợi dụng bạn mà còn có thể khiến mọi người không xem bạn là một nhà lãnh đạo hay nhân viên có tiếng nói.
Trong công việc của mình, nếu bạn cứ giúp đỡ người khác hết lần này đến lần khác mà không yêu cầu được trả công xứng đáng thì họ sẽ không nhận thức được giá trị của bạn hoặc tồi tệ hơn họ sẽ cướp mất những thành tích của bạn.
6. Bạn sẽ là mục tiêu của những kẻ xấu
Khi quá tốt bụng, bạn sẽ thu hút những kẻ muốn lợi dụng và thao túng bạn. Những người này thấy được cơ hội để lợi dụng lòng tốt của bạn vì bạn không hề đề phòng và vạch sẵn ranh giới với chúng.
Bạn bè thực sự sẽ không khiến bạn vì giúp họ làm bài tập hay hoàn thành dự án mà không ngủ đủ giấc, Những người thật lòng sẽ chỉ cần bạn ở bên cạnh họ là đủ và họ hiểu đôi khi bạn cũng bận và chỉ xuất hiện được vào những thời điểm nhất định.
7. Mọi người sẽ không tin tưởng bạn
Vì rất ít người thực sự tốt, khi bạn quá tốt, mọi người sẽ tự hỏi liệu bạn có một động cơ thầm kín nào không. Bạn có khả năng gặp phải sự ngờ vực, điều này sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ.
Tôi thấy rằng trước khi học được cách đề cao bản thân, tôi chưa bao giờ thực sự được chấp nhận vào nhóm, cả trong công việc hay trong các tương tác xã hội. Khi tôi bắt đầu đặt ra giới hạn và cho thấy rằng tôi coi trọng bản thân hơn, những người khác cũng bắt đầu làm như vậy.
8. Bạn sẽ trở thành người luôn cần sự giúp đỡ
Thật đáng ngạc nhiên, khi người luôn đi giúp đỡ người khác lại trở thành người luôn cần sự giúp đỡ nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Thay vì tự đáp ứng nhu cầu của bản thân, bạn sẽ vô thức tìm kiếm nó từ những người xung quanh. Điều này có thể dẫn đến hành vi đeo bám, túng thiếu trong các mối quan hệ, cũng như liên tục tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác.
9. Bạn sẽ tự tạo ra các thói quen xấu cho bản thân
Khi luôn tìm cách làm hài lòng người khác, tâm trí bạn sẽ trở nên rối loạn và căng thẳng. Bạn có thể đối phó bằng cách mua sắm thật nhiều, ăn uống thả phanh hoặc các hành vi tương tự khác.
Tôi cũng từng điên cuồng mua sắm hay đam mê đồ ăn vặt để thỏa mãn bản thân nhằm quên đi đống bộn bề mình đã phải giải quyết cho người khác.
Mặc dù đối xử tốt với mọi người xung quanh là một điều thật đẹp nhưng sẽ thật vô ích nếu bạn chỉ cho đi mà không được nhận lại. Hãy tỏ ra tử tế với những người thực sự xứng đáng và đặt ra giới hạn cho bản thân, đừng nên tốt bụng một cách quá sức.
Hãy cùng suy ngẫm để việc cho đi của bạn có hiệu quả nhất.