CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

RÈN KỸ NĂNG TỰ CHỦ ĐỘNG HỌC, ĐỌC SÁCH CÓ HIỆU QUẢ


Việc rèn luyện sự tập trung để đọc sách mà nhớ được nhiều nhất, biết cách làm sao học ít hiểu nhiều. Bạn không cần phải có trí thông minh hay bộ nhớ siêu phàm, chỉ cần bạn tìm ra phương pháp đúng thì sẽ tiến bộ vượt bậc trong việc học cũng như đọc sách. Sau đây là một số gợi ý cho các phương pháp thực hành việc học, đọc đem lại hiệu quả cao.

1. Bí quyết để tìm kiếm niềm vui từ sự học dưới góc nhìn thần kinh và tâm lý học

Trên thực tế, ai ai cũng rất thích học tập và mang trong mình tiềm năng hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, do hệ quả của việc học chỉ để thi, con người dễ sinh ra cảm giác tẻ nhạt đến chán ghét việc học. Đồng thời, nhiều người còn tự hạn chế bản thân bởi tự kỷ ám thị rằng bản thân không thông minh, “học đâu quên đó“. Hơn nữa, vì không có phương pháp học đúng, họ dần rơi vào trạng thái học lãng phí, mãi không đạt được kết quả và bị kẹt vào trong cái đầm không đáy.

Vấn đề là, có bao giờ, bạn trăn trở rằng, tại sao mình đầu tư thời gian giữa bộn bề công việc để học mà rốt cuộc không đạt được kết quả như mong muốn? Liệu việc cắm đầu vào học nhưng không hiệu quả chính là một sự lãng phí? Tại sao mình lại học đâu quên đó? Với kiến thức hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về thần kinh và tâm lý học, tác giả (kiêm bác sĩ người Nhật) Zion Kabasawa đã đưa ra những phương pháp dung nạp kiến thức hiệu quả trong quyển sách “Làm sao học ít hiểu nhiều” (Zenbooks & NXB Dân trí). Những chỉ dẫn trong sách sẽ giúp mỗi người thoát khỏi lối mòn, từ đó, cảm thấy việc học tập không hề khổ sở mà rất vui vẻ.

Tác giả Zion Kabasawa diễn giải rằng: “Nếu ta học với tâm trạng hứng khởi, não sẽ tiết ra dopamine (hormone hạnh phúc) giúp nâng cao khả năng tập trung, cải thiện năng lực ghi nhớ và tăng hiệu suất học tập. Ngược lại, con người làm việc gì đó mà họ cảm thấy khổ sở, não sẽ tiết ra “cortisol” làm suy giảm hoạt động của hồi hải mã – nơi lưu giữ thông tin. Nghĩa là nếu ta bị stress thì năng lực ghi nhớ sẽ giảm sút. Chính vì vậy, bằng việc làm cho não cảm thấy vui vẻ, bạn có thể đạt được kết quả học tập tuyệt vời. Khi học trở thành niềm vui, chúng ta sẽ ở trong trạng thái “cứ học thôi” và muốn học mãi không ngừng. Khi đó, việc học hoàn toàn không lãng phí và chúng ta sẽ thu được kết quả như mong muốn”.

Nếu bạn hình dung rằng, các đầu sách về giáo dục đều sẽ khá khô cứng, quyển sách “Làm sao học ít hiểu nhiều” chắc chắn sẽ làm bạn thay đổi quan niệm này. Xuyên suốt quyển sách là những lý giải vô cùng thú vị về tận cùng bản chất của việc học và những chỉ dẫn rất thực tiễn, giúp người học đạt được hiệu quả học tập mong muốn. Nhờ vào bố cục chia nhỏ hợp lý kết hợp với giọng văn gần gũi, hóm hỉnh, bạn sẽ có cảm giác mình đang bước vào một quyển sổ ghi chép về các phương pháp học tập của một người bạn đồng trang lứa, hoàn toàn dễ hiểu, dễ đọc và dễ tiếp thu.

Cũng như triết lý cốt lõi trong sách “học ít hiểu nhiều”, nguyên tắc đầu tiên của việc học chính là định hướng phương pháp học. Thành tích học tập hiện tại không tốt hoặc kết quả nhận được không như mong đợi không phải do bạn sinh ra vốn không thông minh. Hay cũng không phải do bạn không có tài năng trong lĩnh vực học thuật và nghiên cứu. Hay do bạn không kiên trì nỗ lực… Đó là do bạn chưa tìm được phương pháp “học đúng”. “Vì vậy, trước khi lên ý định học một điều gì, phương pháp học đã quyết định đến 90% kết quả. Những người nắm rõ phương pháp học thường có khả năng lĩnh hội kiến thức trong thời gian nhất, là đòn bẩy tạo sức bật giúp bạn khởi động lại từ con số 0″, Zion Kabasawa nói.

Qua từng chương sách, “Làm sao học ít hiểu nhiều” tiết lộ cho người đọc hàng loạt phương pháp học tập tinh giản, giúp tiết kiệm thời gian, công sức học tập. Đó có thể là: Phương pháp phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, phương pháp bắt chước một cách “ngoan ngoãn”, phương pháp tìm đối tượng để học theo, chiến lược học tập của học sinh và người đi làm…

Đặc biệt, tác giả còn khuyến khích bạn đọc tận dung các phương tiện truyền thông để chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau… “Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể đăng thông tin trên Internet như: viết bài lên blog, trên Facebook, Twitter, đăng video lên Youtube… đều miễn phí. Và để có thể chia sẻ kiến thức, bạn cần phải tổ chức và tái hiện trải nghiệm, kinh nghiệm, thông tin và kiến thức của mình. Quá trình này sẽ giúp bạn tăng cường trí nhớ về điều đã học, khả năng viết lách được nâng cao… Đồng thời, nếu bạn học tập với sự đồng hành của những người mà bạn có thể chia sẻ những giấc mơ và tham vọng của mình, những khó khăn dễ dàng chuyển hóa thành niềm vui…” Zion Kabasawa hướng dẫn.

2. Đọc sách là “con át chủ bài” có thể giúp bạn thay đổi cuộc đời

Đọc sách mà không quên, đó là điều chắc chắn bất kỳ ai cũng muốn. Nhưng thực tế, chúng ta thường quên đi (hay đúng hơn là chỉ nhớ mang máng) gần như về mọi thứ mình đã đọc được. Nếu không cải thiện được điều này thì việc học, vốn là một việc vui vẻ và hữu ích, rốt cuộc lại chẳng để lại cho ta lợi lộc gì, thậm chí có thể bị xem là một việc lãng phí thời gian và tiền bạc.

Từ chính trải nghiệm bản thân và dựa vào các nghiên cứu về khoa học thần kinh, vị bác sĩ tâm thần học Zion Kabasawa thấu hiểu về nỗi băn khoăn của nhiều người “đọc sách hay quên béng nội dung“. Để từ đó, ông đúc kết những bí quyết rất thực tiễn trong quyển sách “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu“.

Tác giả Zion Kabasawa là nhà tâm thần học tài năng người Nhật Bản. Trung bình mỗi năm, ông viết 3 quyển sách. Đồng thời, tác giả đã sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội với khoảng 400 nghìn độc giả (gồm 140 nghìn lượt Like trên Facebooks, 120 nghìn người theo dõi trên Twitter, đã viết hơn 150 nghìn bài tạp chí điện tử…) để truyền đạt một cách dễ hiểu các lĩnh vực chuyên môn như tâm thần học, tâm lý học…

Nhiều người hỏi, tại sao tác giả có thể viết review sách mỗi ngày? Từ đâu mà ông ấy lại có nguồn năng lượng mạnh mẽ như thế để đăng bài và viết sách? Bởi vì, mỗi tháng, Zion Kabasawa đã mở và đọc từ 20 – 30 cuốn sách. Khả năng hiểu và viết không phải là việc bạn có sức mạnh như thế nào, mà phụ thuộc vào lượng kiến ​​thức của bạn sở hữu. Và mấu chốt để không bị cạn ý tưởng đó chính là việc dung nạp kiến thức từ đọc sách.

Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” – Quyển sách giúp mọi người có thể ghi nhớ thông tin hiệu quả, tận dụng thời gian một cách khoa học để mỗi ngày đọc hết một quyển sách, phát huy khả năng tập trung… Đồng thời, tác giả đưa ra hàng loạt các phương pháp hữu ích: Thuật đọc sách sử dụng bút dạ quang, Thuật đọc sách cộng đồng, Thuật đọc sách trong cơn ngủ say, Thuật đọc sách “home run”… Bạn cần chọn riêng cho mình một phương pháp đọc phù hợp với khả năng của mình để có thể duy trì việc đọc sách thành một thói quen thực hành mỗi ngày.

Ngoài nắm vững các phương pháp ghi nhớ, tôi thích cách tác giả nhấn mạnh rằng, đọc sách quan trọng là chất lượng hơn là số lượng, đồng thời, bạn nên xem trọng việc đọc sâu ghi nhớ lâu hơn là đọc nhanh. Đọc sâu là phương pháp đọc nắm cặn kẽ nội dung, thu được những điểm tâm đắc có thể áp dụng thực tiễn. Khi chất lượng đọc được đảm bảo và đọc nhiều sách hơn thì tốc độ đọc cũng tự nhiên nhanh hơn. “Một khi đã đọc sách, phải chọn cách đọc sao cho nó trở thành máu, thịt của mình. Cách đọc hời hợt, không tạo thành món ăn nuôi dưỡng sự phát triển bản thân thì không có ý nghĩa“, Zion Kabasawa nói.

“Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?” vừa là câu hỏi mà tác giả tự đặt riêng cho chính mình, đồng thời, nó cũng là vấn đề thắc mắc chung của nhiều người. Được viết bằng văn xuôi diễn đạt chi tiết, nội dung đa dạng trộn lẫn cac dẫn chứng mạch lạc dựa vào các nghiên cứu khoa học, “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu” quả là một cuốn sách đem lại cho độc giả nhiều bí quyết dễ nghiềm ngẫm, dễ áp dụng thực tiễn. Ngoài ra, qua từng chương sách, bạn sẽ suy ngẫm nhiều hơn về xây dựng thói quen đọc sách. Nếu có thể biến việc đọc thành thói quen, thực hành nghiêm túc những điều tâm đắc từ sách thì bạn có thể nhanh chóng phát triển bản thân. Đọc sách chính là “con át chủ bài” cuối cùng và mạnh mẽ giúp thay đổi cuộc đời bạn. Một quyển sách chẳng hề đắt đỏ, nên không lý do nào bạn lại không nắm lấy con “át chủ bài” đó.

Bất kể công việc gì, mục tiêu gì dù to lớn cỡ nào thì cũng đều trở nên đơn giản khi ta biết chia nhỏ chúng ra. Đọc sách cũng vậy. Dù là 1 cuốn hay 100 cuốn, khi biết phân bổ và điều tiết thì thành công luôn nằm trong tầm tay. Đọc sách phải trở thành thói quen. Để từ đó, việc đọc sách sẽ không còn là gánh nặng mà trở thành niềm vui thích vì mình luôn có cảm giác thành tựu.

Tóm lại, nếu bạn đang rơi vào trường hợp những người đọc thật nhiều mà chẳng nhớ được bao nhiêu hay cảm thấy việc học chán nản và chưa biết bắt đầu từ đâu… Mớ rắc rối đó, bạn có thể giải quyết được từ những bài học của “Làm sao học ít hiểu nhiều” và “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu”. Nguyên tắc cuối cùng dẫn đến việc đọc sách hay việc học đạt hiệu quả nằm ở lựa chọn của bạn, có tiếp tục hay dừng lại? Đạo diên Ngô Thanh Vân có câu nói khá hay: “Nếu học hỏi 1 ngày không được thì 10 ngày, 10 ngày không được thì 100 ngày, thậm chí 1 năm hoặc nhiều năm…” Điểu đó không chỉ đúng trong việc sản xuất phim, theo đuổi nghề nghiệp mà trong cả đọc sách hay các công việc khác. Việc kiên trì, tiếp tục nỗ lực là điều tối cần thiết. Tôi tin rằng, dù làm bất kỳ việc gì, miễn bạn có những nỗ lực cần thiết và đúng hướng, nhất định bạn sẽ đến đích thành công.

SƯU TẦM

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com