CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

NHỮNG CÂU CHUYỆN NGẮN THÚ VỊ VÀ BÀI HỌC RÚT RA


Khi thay đổi góc nhìn, rất nhiều chuyện đơn giản, xảy ra ngay xung quanh cũng có thể trở thành bài học quan trọng. Bạn có thể hiểu thấu bao nhiêu câu chuyện sau đây?

Câu chuyện 1.

Người cha vội vàng tìm kiếm đồng hồ đeo tay để đi làm nhưng tìm khắp nơi đều không thấy. Sau khi lục tung cả phòng, ông bực bội bỏ ra ngoài. Một lúc sau, cậu con trai lặng lẽ vào nhà, chỉ mất một lúc đã nhanh chóng tìm ra đồng hồ của cha mình.

Người cha hỏi: “Sao con có thể tìm được vậy?”

Con trai đáp: “Con chỉ ngồi im một chỗ, mất một lúc là nghe thấy tiếng tích tắc của đồng hồ ngay.

Bài học rút ra: Dù là làm bất cứ việc gì, chúng ta càng nôn nóng vội vã thì lại càng khó có thể đạt được điều mình mong muốn. Phải giữ lòng bình tĩnh thong dong mới lắng nghe được âm thanh của lý trí.

Câu chuyện 2.

Một chiếc ly pha lê đựng đầy sữa bò, mọi người sẽ chỉ nhìn vào sữa.

Cùng là chiếc ly đó đựng đầy dầu ăn, mọi người sẽ chỉ nhìn vào dầu ăn.

Chỉ khi nào chiếc ly trống rỗng không chứa đựng thứ gì, mọi người mới nhìn vào chính nó.

Bài học rút ra: Khi trong chúng ta dần được lấp đầy bởi học vấn, giàu có, quyền lực, thành tựu và định kiến, chúng ta dần thay đổi, không còn là chính mình. Thường thì khi có được hết thảy, bạn lại rất khó tìm được tự do.

 Câu chuyện 3.

Có hai con hổ, một con bị nhốt trong chuồng sở thú và một con sống trong rừng hoang dã. Cả hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh của mình thật tệ hại và ghen tị với đối phương.

Con hổ trong sở thú nghĩ: “Cậu ta thật tự do, được ngao du khắp đó đây, làm chủ cả sơn lâm.”

Con hổ trong rừng nghĩ: “Cậu ta thật nhàn nhã sung sướng, mỗi ngày đều có người chăm sóc, cho ăn, không cần lo đói lo khát.”

Thế là chúng quyết định tráo đổi thân phận cho nhau. Nhưng chỉ một thời gian sau, cả hai đều chết. Một con chết vì đói khát, một con chết vì u buồn.

Bài học rút raĐôi khi, mọi người không nhận thấy hạnh phúc của chính mình mà chỉ hâm mộ hạnh phúc của người khác. Kỳ thật, những gì bạn đang có lại là điều khiến người khác phải ghen tỵ.

 Câu chuyện 4.

Một người vọt vào hang động để trốn tránh quân địch. Sợ bại lộ hành tung, anh ta không dám đốt lửa, cũng không dám nấu ăn, không ngủ không nghỉ trốn trong góc. Bỗng dưng, trên cánh tay hơi ngứa, anh vội nhìn xuống thì phát hiện một con nhện bò trên người mình. Trong khoảnh khắc định đập chết nó, đột nhiên anh sinh lòng thương hại, liền thả ra chỗ cửa hang.

Con nhện lập tức bám vào cửa hang và nhanh chóng dệt nên tấm võng của nó. Khi quân địch đuổi tới nơi, nhìn hang động được bao phủ một lớp màng nhện, chúng cho rằng không có ai từng xuất hiện ở đây, lục lọi xung quanh một hồi rồi bỏ đi theo hướng khác.

Bài học rút ra: Nhiều khi giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ chính mình.

 Câu chuyện 5.

Một người cha bảo con trai mình: “Hãy nắm chặt tay lại và nói xem con cảm giác như thế nào?”

Đứa trẻ nghe theo rồi phàn nàn: “Hơi đau tay ạ.”

Người cha nói: “Vậy thử nắm chặt hơn nữa xem?”

Đứa trẻ nói: “Càng đau tay hơn, lại còn mệt nữa!”

Người cha bèn dạy: “Có những thứ mà con càng nắm chặt thì càng đau đớn, càng buông tay thì càng nhẹ nhàng.”

Bài học rút ra: Rất nhiều đạo lý đều tương tự như vậy, càng thả lỏng thì càng dễ tiếp nhận hơn là cố ép buộc bản thân, vừa mệt mỏi vừa đau đớn mà không nên thành quả gì.

Câu chuyện 6.

Một người đàn ông cần 100.000 USD để mua một chiếc xe hơi, nhưng ông ta “vét sạch” mọi khoản tiền trong thẻ chỉ còn đúng 99.998 USD mà thôi, thiếu mỗi 2 USD nữa!

Đột nhiên, anh ta nhìn thấy một người ăn xin ở cửa, anh ta đi tới trước mặt người ăn xin và nói: “Làm ơn cho tôi 2 USD được không? Tôi muốn mua một chiếc xe hơi!”

Nghe xong, người ăn xin hào phóng lấy ra 4 USD đưa cho người đàn ông và nói: “Mua cho tôi một cái với.”

Bài học rút ra: Nếu bạn đã hoàn thành hơn 90% nhiệm vụ, sau đó, ai cũng có thể dễ dàng giúp bạn thành công. Ngược lại, nếu một người chưa làm gì cả thì thần tiên trên trời cũng không cứu nổi.

Câu chuyện 7.

Sư phụ hỏi các đệ tử của mình rằng: “Hôm nay ta muốn đun một nồi nước sôi thật lớn, thế nhưng, đang nhóm lửa thì mới phát hiện không đủ củi để đun sôi cái nồi lớn đó. Các con nghĩ ta phải làm thế nào?”

Một số đệ tử đề xuất ông đi tìm thêm củi, một số nói nên đi mượn cho nhanh, một số thì bảo đi mua ngoài chợ.

Vị sư phụ nói: “Tại sao không ai khuyên ta đổ bớt nước đi để đun một cái nồi nhỏ thôi?”

Bài học rút ra: Nhân sinh không thể thuận lợi như ý 100%, có được ắt có mất, có sự hy sinh mới có những thành tựu. Đôi khi lùi một bước rồi mới có thể tiến ba bước.

Câu chuyện 8.

30 năm trước, một người đàn ông thành phố đã bán mảnh đất của mình để thực hiện ước mơ ra nước ngoài. Anh ta gom được 30.000 USD và rời quê hương, tới nước Ý để tham gia đãi vàng, sáng sớm ra công xưởng lao động, đêm về lại thức khuya để học giao tiếp, ngày ngày vất vả cực khổ.

30 năm sau, khi đã tha hương nơi đất khách gần nửa đời người, trong tay tích góp được một khoản không nhỏ, trị giá 500.000 USD, anh ta quyết định khăn gói trở lại quê hương để dưỡng lão, hưởng thụ nốt tháng ngày cuối cùng. Đặt chân về lại nơi xưa, anh ta phát hiện mảnh đất cũ hiện được định giá 550.000 USD, lấy hết cả gia tài nhỏ của anh ta cũng không đủ để mua về.

Bài học rút raCó rất nhiều thời điểm bạn sẽ nhận ra rằng, chăm chỉ cả đời cũng không quan trọng bằng sự lựa chọn trong một giây phút.

Câu chuyện 9.

Chúng ta biết rằng 95% thành phần của một chai nước hoa đều là các loại hóa chất giống nhau, chỉ có 5% là khác biệt, đây là điểm nhấn bí mật của mỗi thương hiệu, làm nên mùi hương và giá trị khác nhau. Chính 5% đó lại chiếm thời gian và công sức nhiều nhất trong quy trình sản xuất ra một thành phẩm.

Bài học rút raĐiều này cũng đúng với con người, về cơ bản thì 95% mọi thứ đều giống nhau, 5% khác biệt là mấu chốt, bao gồm năng lực tu dưỡng của người đó và dục vọng vui buồn sướng khổ của họ. 5% khác biệt đó cũng cần trải qua thời gian và công sức, liên tục rèn luyện mới có thể trưởng thành.

SƯU TẦM

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com