NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN CÓ CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG THÀNH CÔNG
Mặc dù trong thời đại tự do này, không ít người đàn ông đóng vai trò tề gia nội trợ, phụ giúp cho sự nghiệp của bà xã. Nhưng kỳ thực, trong lòng ai mà không muốn trở thành trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất, xây dựng vị thế riêng của mình.
Thế nhưng, con đường thành công không phải hễ bắt đầu là có thể đi đến cuối. Muốn trở thành người đàn ông thực sự bản lĩnh, còn phải nhìn từ rất nhiều khía cạnh từ nhân phẩm, năng lực cho tới cả sự may mắn. Đặc biệt, người ta không thể bỏ qua 3 phẩm chất quan trọng, cần có để khẳng định giá trị thương hiệu của bản thân như sau:
Thứ nhất: Giữ chữ tín, biết quy củ và nhân phẩm tốt
Trung thực là phẩm chất đạo đức cơ bản nhất. Một người đàn ông muốn thành công cần lấy “sự chính trực” làm nền tảng cơ sở. Tuân thủ chữ Tín, giữ giới hạn nguyên tắc chính là nền tảng để một cá nhân phát triển. Dù sau này, có đi đến đâu, anh cũng sẽ không bị người khác coi thường hay đánh giá bất tín.
Danh dự và chữ tín là tấm giấy thông hành trên con đường thành công. Trước kia, Nhật Bản từng có 1 thương hiệu sữa phát triển lâu đời. Nhưng chỉ sau một đêm, khi thông tin chất lượng sản phẩm sữa của đơn vị không đảm bảo an toàn, chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm người tiêu dùng, hàng ngàn khách hàng của công ty đã gửi đơn kiện tới cơ quan pháp luật. Danh dự của doanh nghiệp bị xóa sạch. Thương hiệu Snow Brand sau 75 năm xây dựng đã sụp đổ chỉ sau một đêm.
Đó chính là lý do mà mục tiêu và khẩu hiệu của mọi doanh nghiệp trong thời đại này đều gắn liền với phương châm “chữ tín quý hơn vàng”. Trước danh dự và tín nhiệm, tác dụng của tiền có giới hạn. Không có danh dự và tín nhiệm, khó có căn cứ để nói đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thứ hai: Có giá trị quan chính xác
Hoạt động của con người luôn xoay quanh những vấn đề về giá trị, trong sự phản hồi không ngừng giữa thực tiễn và nhận thức tất yếu sẽ hình thành những quan niệm nhất định về giá trị. Dựa vào hệ thống giá trị quan này, người ta sẽ đưa ra những phán đoán và lý giải, từ đó nhận định về sự vật, phân rõ thị phi đúng sai.
Giá trị quan trong công việc dẫn dắt sự đánh giá và lựa chọn của từng cá nhân đối với các hành vi, sự kiện liên quan diễn ra trong công việc và là động cơ tiềm tàng của mỗi người trong công việc (work preference). Ví dụ như có người coi trọng tiền lương, có người coi trọng công việc mang đến cho họ sự trải nghiệm, lại có người mong muốn có một môi trường làm việc thoải mái. Hay là nam giới thường xu hướng thích những việc làm có thu nhập cao xuất phát từ tư tưởng là trụ cột của gia đình, nữ giới lại ưa những việc làm mang tính ổn định xuất phát từ tâm lý phái yếu và mong có cảm giác an toàn. Tất cả gọi chung là giá trị quan trong công việc.
Nhận thức được tầm quan trọng của giá trị quan trong công việc sẽ giúp các cá nhân hiểu rõ nhân tố ảnh hưởng tới bản thân về tâm lý, hoàn cảnh, áp lực, độ chín trong sự nghiệp… để đưa ra những điều chỉnh thích hợp suy nghĩ, nguyện vọng, năng lực và tính cách của mình hơn. Quá trình này giúp cho việc thích nghi trong công việc tốt hơn, qua đó nâng cao hiệu suất làm việc, đạt được những thành tựu và mục tiêu riêng.
Ở chiều ngược lại, nếu một cá nhân hiệu quả trong công việc đi xuống, không phải do yếu tố năng lực kém đi, thì nguyên nhân có thể nằm ở giá trị quan trong công việc của người này đang gặp vấn đề ở một khía cạnh nào đó.
Khi một người đàn ông có hệ thống quan niệm và giá trị chính xác, tự bản thân họ đã xây dựng được tín niệm bền vững cho mình. Đây cũng trở thành bậc thang chắc chắn nhất để họ dần dần tiến bước trên đường đời mà không lạc lối, đánh mất bản thân.
Thứ ba: Tự tin, nắm rõ năng lực của chính mình
Theo lý thuyết của Bandura thì “Tin tưởng vào năng lực bản thân” là cách tốt nhất để bắt đầu cải thiện cách thức bạn nhận ra khả năng của mình. Chìa khóa làm nên mọi thành công là tin tưởng vào năng lực của chính bản thân mình. Nếu ngay cả bản thân mình cũng không thể tin tưởng thì bạn chẳng thể làm được điều gì trọn vẹn.
Bên cạnh đó, cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng, nhìn thấy sự thành công của người khác sẽ cải thiện niềm tin của bạn vào chính mình. Khi nhìn vào tấm gương vĩ đại, nếu bạn thấy mình cũng có phẩm chất tương tự như vậy, thì trong tiềm thức bạn cũng bất giác áp dụng cho chính mình, nâng cao khả năng mình đạt được thành tựu tương tự. Khi bạn nghĩ mình càng giống họ thì ảnh hưởng càng mạnh.
Tương tự như vậy, nếu bạn nhìn thấy những người khác làm việc chăm chỉ và thành công, điều đó có thể thúc đẩy bạn nỗ lực hơn trong sự nghiệp và củng cố lòng tự tin. Ngược lại cũng có thể đúng. Nếu bạn thấy người ta nỗ lực rất nhiều nhưng không đạt được gì cả, sự tự tin của bạn có thể bị tổn thương – đặc biệt là nếu bạn nghĩ rằng tài năng và khả năng của bạn cũng tương tự như họ.
Giống như bà Michelle Obama đã nói: “Dù bạn đến từ nông thôn hay thành thị không quan trọng, thành công của bạn được quyết định bởi sự tự tin và những nỗ lực ngoan cường.” Để tự tin, bạn phải là người tích cực. Nếu có vấn đề, hãy trực tiếp đối mặt với nó và tìm hiểu các chiến lược để quản lý.
SƯU TẦM