CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ HỌC VÀ RÈN LUYỆN ĐỂ ĐẦU TƯ THÀNH CÔNG


Để trở thành nhà đầu tư thành công phải có thời gian, không thể nhanh được và cần trải qua các cấp độ học hỏi và rèn luyện như sau:

1. Hiểu: Trước hết muốn đầu tư tốt cần phải cần cù, chăm chỉ học hỏi, tìm kiếm, đọc các tài liệu liên quan để hiểu rõ về các khái niệm, nguyên tắc cơ bản của thị trường; hiểu về các phương pháp giao dịch, kinh nghiệm mà các nhà đầu tư thành công đã áp dụng; hiểu về các đặc điểm của thị trường nơi mà mình tiến hành đầu tư; Hiểu cách xác định thế nào là cổ phiếu tốt, cổ phiếu xấu,…. Đồng thời phải thường xuyên suy nghĩ để hiểu xem năng lực bản thân mình có mặt gì mạnh, mặt gì yếu, lợi thế của mình là gì, nguồn vốn của mình bao nhiêu, dài hạn hay ngắn hạn,… để đạt được sự hiểu này đòi hỏi chúng ta phải đọc rất nhiều thứ, từ các khái niệm cơ bản nhất như: thế nào là cổ phần, cổ phiếu, cổ tức,..; các qui định về mua bán như: thời gian giao dịch, các loại lệnh giao dịch, bước giá,…; Các cách đọc và hiểu về báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của các doanh nghiệp, cách xác định giá trị cho từng loại doanh nghiệp,…đây là giai đoạn đầu tiên của việc học chủ yếu là các kiến thức cơ bản về lý thuyết. Để rút ngắn giai đoạn này chúng ta nên kết hợp việc đọc tài liệu (lý thuyết) và thực hành mở một tài khoản với một lượng tiền nhỏ (coi là học phí) và tiến hành giao dịch theo những gì mình đã học được trên lý thuyết để trải nghiệm theo nội dung các phương pháp giao dịch cơ bản của những người thành công đi trước chia sẻ (thực hiện được càng nhiều phương pháp khác nhau càng tốt), thông qua việc trải nghiệm này sẽ giúp ta có cái nhìn toàn diện về thị trường và cũng giúp ta có tư duy đa chiều, tránh cứng nhắc về sau. Mặt khác sự hiểu biết và trải nghiệm sẽ giúp ta biết được phương pháp đầu tư nào phù hợp với tính cách, năng lực của bản thân mình nhất để tập trung nghiên cứu kỹ và đi theo trường phái đó (giai đoạn này cần nhiều thời gian) và kết quả giai đoạn này là ta phải xác định được cho mình một phương pháp đầu tư phù hợp với khả năng và tiềm lực của bản thân như: nguồn vốn, vùng hiểu biết, năng lực cá nhân (kiên trì, ứng biến tốt,…) để triển khai thực hiện trong tương lai (giai đoạn này quyết định 70% sự thành bại) của chúng ta.

2. Biết: Sau khi đã trải qua giai đoạn Hiểu rõ về các khái niệm, qui định, các phương pháp thường được sử dụng như nêu trên và chọn ra được phương pháp phù hợp với bản thân chúng ta phải bước sang giai đoạn thực hành đầu tư, dùng các kiến thức của mình đã hiểu được để phân tích, đánh giá, lựa chọn cổ phiếu, và tiến hành giao dịch mua bán cổ phiếu theo đúng quy trình mà mình xây dựng. Kết quả đạt được sau các vụ đầu tư sẽ cho ta biết về các mặt mạnh, yếu, các lỗi thường gặp trong quá trình thực hiện mua – bán để điều chỉnh phương pháp và hoàn thiện dần theo thời gian. Đồng thời quá trình này giúp ta có những cảm nhận tốt hơn về các diễn biến thực tế qua các giai đoạn của thị trường. Quá trình này thực sự rất đơn giản ai cũng có thể thực hiện được một cách dễ dàng. Tuy nhiên kết quả thu được sau mỗi vụ đầu tư sẽ cho Biết cụ thể, chính xác là vụ đầu tư đó thành công hay thất bại và Biết được tại sao vụ đầu tư này lại thành công và vụ đầu tư khác lại thất bại, nguyên nhân nào dẫn đến thất bại, từ đó Biết được năng lực bản thân đang ở mức độ nào. Đây là thời điểm làm ta dễ mất lòng tin nhất, nếu ai không đủ tinh thần nhiệt huyết, kiên trì sẽ rất dễ bỏ cuộc, vì kết quả các vụ đầu tư thường không giống nhau, nhiều cổ phiếu mình cho là tốt nhất thì lại thất bại, cổ phiếu được đánh giá yếu hơn lại cho kết quả tốt hơn,…nó dường như không tuân theo những gì mình học được qua tài liệu sách vở,… hãy dành nhiều thời gian xem xét, suy nghĩ về các vụ đầu tư để rút ra các kinh nghiệm cho mình đồng thời kiên trì thực hiện trải nghiệm các vụ đầu tư khác, kiên quyết không được bỏ cuộc vì các nhà đầu tư thành công đều phải trải qua thời gian dài, trải qua nhiều thất bại mới gặt hái được thành công và ta cũng không thể ngoại lệ được.

3. Rèn luyện để thành thạo và đạt Năng lực vô thức:Khi đã vượt qua được các giai đoạn hiểu biết nêu trên, theo thời gian số vụ đầu tư mua bán càng nhiều thì kinh nghiệm rút ra được càng đa dạng, dần dần số vụ đầu tư thành công sẽ tăng lên, số vụ thất bại giảm dần và đến một lúc nào đó năng lực phản xạ tự nhiên sẽ cho phép ta tự cảm nhận được sự vận động của thị trường và dần dần sẽ đạt đến năng lực vô thức trong giao dịch (đạt mức phản xạ tự nhiên như người lái xe trên đường tự biết lúc nào cần tăng ga, hãm phanh, bẻ lái,…một cách vô thức mà vẫn đảm bảo an toàn), lúc này việc giao dịch được nâng lên tầm nghệ thuật trong giao dịch, chúng ta chỉ cần nhìn qua sự biến động giá của các cổ phiếu thì có thể biết nên mua hay bán loại cổ phiếu nào sẽ có xác suất thành công cao mà không cần phải suy nghĩ và xem xét nhiều, mọi thứ đã hình thành trong ký ức của mình. Tuy nhiên thị trường luôn biến động không ngừng, bối cảnh kinh tế chính trị thế giới và trong nước thay đổi liên tục, nên việc đầu tư cũng cần phải được xem xét thay đổi điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của thị trường chung .

Bản thân tự nhận thấy mình mới trải qua cấp độ Hiểu và Biết, hiện tại đang trong quá trình rèn luyện để bước sang mức thành thạo để dần tiến tới cấp độ vô thức, vì vậy hãy xác định cho mình phải tích cực thực hành đầu tư trải nghiệm với nhiều dạng cổ phiếu khác nhau để có cảm nhận tốt hơn theo thời gian.

4. Những điều cần lưu ý:

– Về học hỏi: Nên nhớ rằng giữa Hiểu (là lý thuyết) cho đến Biết (là kết quả của sự vận dụng những điều đã hiểu vào thực tế) là sự trải nghiệm thực tế. Phần lớn chúng ta khi bắt đầu tham gia thị trường thường mới chỉ đạt trình độ là Hiểu thôi, nhưng lại thường ngộ nhận là mình đã Biết, do đó việc mua bán thường là theo sự hiểu đó hoàn toàn thiếu thực tế, không đủ cơ sở và dẫn đến kết quả thu được không ổn định lúc thành công, lúc thất bại và đặc biệt hơn là những vụ mua cổ phiếu tự mình nghĩ là tốt nhất nhưng lại thất bại trong khi đó vụ đầu tư được cho rằng cổ phiếu không tốt mấy lại thành công, điều này làm cho chúng ta cảm thấy hoang mang khó hiểu nên chúng ta thường đổ lỗi cho thị trường là cờ bạc, bị đội lái khống chế làm giá,… mà không chịu suy nghĩ, học hỏi rút kinh nghiệm cho những lần giao dịch tiếp theo nên ngày càng thua lỗ, chán nản, mất vốn và bỏ cuộc. Vì vậy phải thật sự cảnh giác với sự việc tự đánh giá của bản thân về những điều hiểu biết của mình

– Việc vận dụng kiến thức người khác: Việc áp dụng các phương pháp đầu tư của những người thành công đi trước (Đầu tư giá trị theo W. Buffet; Đầu tư tăng trưởng Ph. Fisher hay Đầu tư theo đà tăng trưởng CANSLIM của W. Oneil,…) vào thực tế cần được xem xét cẩn trọng vì điều kiện điều kiện thực tế thị trường của chúng ta hiện tại khác xa với thị trường lúc họ chia sẻ; điều kiện năng lực bản thân mình cũng không giống với họ. Hãy luôn tự nghĩ xem năng lực chúng ta có  đạt được như họ không? Có đủ trình độ để xác định đâu là cổ phiếu giá trị? đâu là cổ phiếu tăng trưởng hay đà tăng trưởng? mình có đủ năng lực để nhận biết thời điểm mua vào, bán ra cho phù hợp từng phương pháp không?,…Vì vậy không nên áp dụng các phương pháp này một cách máy móc mà nên học hỏi những vấn đề thuộc về bản chất, nền tảng học thuật của từng phương pháp để rút ra những điều mang tích chất cơ bản của từng phương pháp, để định hướng cho các suy nghĩ tư duy của mình.

– Việc tham khảo, học hỏi từ các thông tin được chia sẻ: Hiện tại có rất nhiều các nhóm, các trang web, các khóa đào tạo, …chia sẻ kiến thức đầu tư chứng khoán nhưng có một điều cần lưu ý là một số người mới chỉ là Hiểu về thị trường, cộng thêm một chút ít trải nghiệm thực tế (Biết rất ít) nhưng lại mở lớp dạy về đầu tư chứng khoán, chia sẻ kiến thức, khuyến nghị đầu tư,…. Vì sự hiểu biết của họ có hạn nên phần lớn họ sử dụng những điều họ hiểu thông qua sách báo mà họ học được để truyền tải lại cho người khác, với lượng kiến thức méo mó rất thiếu tính thực tế của họ làm cho nhiều người mới tham gia bị lệch lạc nhận thức,…điều này rất nguy hiểm, nó sẽ hình thành tư duy đầu tư không phù hợp với điều kiện năng lực của bản thân mình. Vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác với các loại thông tin này, chỉ nên coi đây là một kênh tham khảo với kiến thức và kinh nghiệm hiện tại bản thân nên ít tham gia xem xét thông tin từ các kênh này để tránh bị nhiễu loạn và mất thời gian cho công việc cần thiết khác.

TVTinvest

P/S: Hãy suy ngẫm thêm về câu chuyện sau:

Có một câu chuyện kể như thế này:

“Hồi xưa có một ông thợ mộc đến cung điện đẽo bánh xe cho Đức Vua. Thấy Đức Vua đang trang nghiêm chăm chú đọc cái gì đó, bèn hỏi:

– Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc cái gì vậy?

Vua đáp:

– À, trẫm đang đọc kinh điển của Thánh hiền.

Ông thợ mộc cười nói:

– Làm gì có chuyện đó, thưa bệ hạ! Đó chỉ là cặn bã của Thánh nhân mà thôi!

Vua tức giận:

– Này, này! Đừng có láo xược! Sao ngươi dám nói như vậy! Nếu giải thích không trôi thì trẫm chém đầu, rõ chưa?

Ông thợ mộc vẫn bình tĩnh, trình bày với Đức vua:  

– Tâu bệ hạ! Thần có đứa con trai. Bởi thần là thợ mộc giỏi nên thần cố truyền nghề cho đứa con trai yêu dấu. Thần bảo nó cầm búa như thế này, cầm đục như thế này, đẽo như thế này, cưa như thế này… sự tinh xảo là ở những góc độ như thế này này…. Thần đã cố gắng cặn kẽ chỉ bày từng li từng tí, từng động tác một, từng bí quyết một. Vậy mà nó vẫn không học được hết những thiện xảo của thần muốn trao truyền. Đấy mới chỉ là cái nghề thợ mộc bình thường, huống chi cái chuyện “Thánh Nhân”. Thánh Nhân là cái gì tâu bệ hạ. Ôi! Cả một đời sống siêu phàm, nhận thức cao việt, trí tuệ minh triết, nghĩa là toàn bộ, tất cả cuộc đời phong phú, sinh động của một vị Thánh – chỉ được ghi trong vài hàng, vài câu ngắn gọn, khô chết của văn tự; đó là chưa kể phần nhiều là hư cấu, mà Đức Vua có thể hiểu được cả con người của vị Thánh sao, thưa Đức Vua?

Thế là nhà Vua phải công nhận kiến giải của ông thợ mộc là đúng.”

Câu chuyện trên là một minh họa cho thực tế cuộc sống. Chúng ta có khuynh hướng lý giải sự tương đồng về tính cách, khả năng của một số ít trường hợp là do gen hay di truyền, trong khi bỏ qua sự dị biệt của hầu hết các cá thể trong gia đình, xã hội. Tôi thì thích một câu nói của ai đó, “Chúng ta là sản phẩm của chính mình” – là tổng hợp quá trình suy nghĩ, nói năng, hành động của mỗi chúng ta từ trước đến giờ. Cùng một lẽ đó, chúng ta dễ thấy rằng các thần tượng giao dịch không phải chỉ là những gì họ ghi chép lại. Tuy không ai giống ai, nhưng họ đã phải trải qua một quá trình vật lộn với thị trường, trằn trọc với bản thân, liên tục điều chỉnh nhận thức và hành vi để đạt đến thành công. Do đó, tuy họ chỉ ra hướng đi cho bạn nhưng bạn cần phải tự đi, vấp ngã, đứng dậy chiêm nghiệm để tiếp tục đi. Sau đây là chia sẻ của một Nhà giao dịch thực thụ, mô tả vấn đề này trong nghề Giao dịch như sau:

“Một điều mà tôi thường khuyên mọi người về các “danh nhân” trong Nghề giao dịch tài chính. Đó là chúng ta không bao giờ làm được như họ (xin nhấn mạnh câu này). Cho dù người đó là W. Buffett, G.Soros, Peter Lynch, Ph. Fisher, J. Livermore, ONeil hay là Darvas đi nữa. Mỗi chúng ta có một tư duy đặc biệt về lối nhìn đời, cách thức sinh sống. Từ đó mới tạo ra kiến thức cho mỗi cá nhân. Từ kiến thức đó, chúng ta mới xài nó mà kiếm tiền nuôi bản thân. Soros, Buffett hay Darvas,… là những con người có kiến thức khác chúng ta. Họ làm giàu trong một thời điểm khác chúng ta. Mỗi thời mỗi khác. Bắt chước họ chưa hẳn là một phương cách thành công. Trên đời này bao nhiêu người đã sùng tín Buffett,  hành động theo Buffett mua sách của Buffett về đọc, để rồi có trở thành một Buffett thứ 2 không? Hay chỉ bằng 1/1000 của Buffett? Câu trả lời một cách khẳng định là: CHƯA CÓ AI đạt được và những người khác cũng thế. Không người thứ hai. Thế thì tại sao chúng ta lại cần họ? Công việc giao dịch tài chính mang tính cá nhân. Tại vì sao? Vì nó xuất phát từ kiến thức mà ra. Từ kiến thức đưa đến suy nghĩ và lập luận; Lập luận dẫn đến hành động và Hành động sẽ tạo ra kết quả dù nó là đúng hay sai. Kiến thức sẽ giúp chúng ta mài dũa hành động cho đến khi hoàn hảo. Công việc giao dịch là thế đấy. Khi kiến thức chúng ta chưa bằng thần tượng của mình, thì làm sao mình có thể bắt chước phương pháp giao dịch của họ được? Một trong những lỗi lầm của những người mới bước vào giao dịch là kiếm một “bóng cây” để dựa. Nhưng dần dần mọi người sẽ nhận thức ra rằng bóng cây kia chỉ là ảo. Tại sao là ảo ư? Tại vì mỗi thời điểm của thị trường là khác nhau.”

TVTinvest

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com