CÓ PHẢI CỨ LƯỜI BIẾNG LÀ XẤU KHÔNG?
Lười biếng là một khuyết điểm thường bị lên án nhưng trên đời, lạ kì thay, có những việc nên lười và cần lười. Nếu lười biếng đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ, chắc chắn lười biếng sẽ đem lại những lợi ích cá nhân. Không kể người thông minh hay người hèn kém, nếu biết được 3 việc càng lười càng tích phúc cho mình và gia đình, cuộc sống sẽ đỡ bộn bề và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, lười biếng ở đây không có nghĩa là vứt bỏ việc mà mặc kệ luôn, không động tới nữa. “Lười một chút” ở đây ý chỉ thái độ sống tự tại, an yên, xem nhẹ mọi thị phi, rối ren của cuộc đời hay cụ thể hơn, đó chính là sống tích cực.
1. Lười động não
Mọi khổ tâm, buồn phiền trong đời hầu hết được sinh ra là do chúng ta tự dày vò mình, bắt mình phải nghĩ đến nó và rồi lại than thở rằng tại sao mình khổ mà người khác sướng thế. Càng phiền não nhiều, tâm hồn càng chật chội. Cứ nới lỏng tâm hồn, phiền não ít đi, cảm giác thoải mái sẽ tự nhiên đến.
Người khổ nhất là người suy nghĩ nhiều, thậm chí suy nghĩ về cả những chuyện không ảnh hưởng tới mình. Biết buông bỏ, bớt tính toán, không mưu mô, thuận theo tự nhiên – tâm trạng sẽ dễ chịu. Lười động não không có nghĩa là thả trôi, mặc kệ cuộc đời xô đẩy mà là cần để tâm vào những chuyện quan trọng, biết vì mình mà sống tích cực.
Cuộc đời ngắn lắm, đừng vì những chuyện cỏn con vặt vãnh mà tự ghì mình xuống. Sống ở đời, lựa thời cơ, cần phải biết khi nào thả lỏng khi nào thắt chặt. Một chiếc cung tên bị giương căng liên tục sẽ sớm hỏng giống như con người quá bận lòng sẽ mệt mỏi nhiều đến kiệt sức.
Biết cách sống lạc quan, vui vẻ sẽ là phương pháp hữu hiệu nhất để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hơn nữa, tự người hài lòng với hiện tại sẽ sinh ra hooc-môn hạnh phúc thu hút những người xung quanh và từ đó, sẽ ra tay giúp đỡ người khác sống tích cực. Làm việc tốt dù nhỏ thế nào cũng đáng khen.
2. Lười động miệng
Người xưa có câu: Họa từ miệng mà ra. Lời nói gió bay nhưng lỡ một lời khích bác, mỉa mai người khác, ắt sẽ có người hằn ghi và trả thù vào một ngày nào đó. Vì thói nhàn rỗi nên nhiều người sinh ra thói đem chuyện của người khác ra bàn tán, bình luận, phán xét, thậm chí chì chiết, “quy tội”.
Con người sinh ra có hai mắt để nhìn, hai tai để nghe nhưng chỉ có một miệng để nói. Chính vì thế, hãy quan sát và lắng nghe nhiều hơn; tốt hơn cả, trước khi mở miệng nên suy nghĩ, chắt lọc lời mình nói còn khi đã mở miệng, hãy nói đúng lúc, nói đúng chỗ.
Ăn nói chừng mực, không khẩu nghiệp, không chỉ trích sau lưng, không châm ngòi cho mâu thuẫn, muốn sống hạnh phúc thì đừng gây thị phi, căng thẳng. Bởi lẽ, mình làm điều xấu, ắt có ngày mình sẽ phải nhận lại hậu quả mà thôi.
“Thêm bạn, bớt thù” – dùng miệng để nói những lời chân thành sẽ nhận được sự yêu mến và giúp đỡ của những người xung quanh. Cuộc sống vì thế mà vui vẻ hơn, đó là nguồn gốc của phúc khí, cần phải nhân rộng hằng ngày.
3. Lười động thủ
Lười động thủ không có nghĩa dừng hết tất cả các hoạt động chân tay lại trong cuộc sống thường ngày. Ngưng điều khiển người khác sẽ khiến bản thân chúng ta cảm thấy “dễ thở” hơn. Khi dừng việc phải chỉ đạo người khác, khi dừng việc bực tức khi người khác không làm theo, tự bản thân sẽ không còn cảm thấy đau đầu khi phải dò xét xem họ đang suy nghĩ gì.
Cứ sống tốt cuộc đời mình, không phải việc của mình không xen vào đời tư của người khác, không thay ai quyết định cuộc sống của họ. Can dư quá sâu vào chuyện của người khác đôi khi lại là làm hại người khác và mang tiếng xấu về mình.
Đơn cử, ngay trong cuộc sống gia đình, không áp đặt cuộc sống của bạn đời hay con cái chính là cách “giữ lửa” hạnh phúc. Ngay cả khi tất cả là một gia đình, vẫn hãy để cho mỗi người có một không gian riêng, cá nhân mỗi người vẫn nên giữ những bí mật thú vị cho riêng mình. Việc gì cũng nhúng tay vào, việc nào cũng tò mò hỏi, tự nhiên bạn sẽ bị ghét.
Sống trên đời, đôi khi tự cho phép bản thân “lười một chút” cũng là cách để mình nghỉ ngơi, thư giãn, không bận lòng với những việc xảy ra xung quanh của người khác. Cứ sống tích cực, ắt sẽ được đền đáp. Người còn giữ thói tọc mạch là người chưa được khôn ngoan lắm trong cách ứng xử. Bớt tính toán, bớt bàn tán, bớt điều khiển, đầu óc rảnh rang, tính tình trở nên ôn hòa, tăng phúc khí cho chính mình và gia đình.
SƯU TẦM