NHỮNG THÓI QUEN XẤU TRONG ỨNG XỬ CẦN TRÁNH
Từng thói quen nhỏ nhất tạo nên con người bạn. Khi đã có một đam mê và tầm nhìn chiến lược, những hành động, cử chỉ tiểu tiết sẽ giúp bạn nổi bật hơn cả. Tất nhiên, việc học tập thêm những thói quen tốt và kỹ năng là điều ai cũng nên làm. Thế nhưng sao bạn không tự hỏi: “Mình phải thay đổi và bỏ đi điều gì để hoàn thiện bản thân?“.
Bỏ một thói quen cũ khó hơn hình thành thói quen mới rất nhiều, bởi mọi người đã cảm thấy thoải mái với nó. Nhưng nếu vì chính những thói quen xấu này mà những dự định, mục tiêu của bạn bị cản trở thì sao?
Bước đầu là nhận dạng những điều đó và dưới đây là những thói quen khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu đi thường thấy:
1. Liên tục nói câu “Xin lỗi”
Khi thường xuyên thứ lỗi, mọi người xung quanh sẽ có ấn tượng rằng bạn không tôn trọng chính mình, hành động hay ý tưởng của bản thân. Nếu “Xin lỗi” là câu cửa miệng của bạn, chúng sẽ gieo suy nghĩ vào người khác rằng bạn không tự tin và chẳng thể làm gì ra hồn.
Thay vì liên tục “Xin lỗi”, hãy thay thế bằng từ “Cảm ơn”.
“Tôi xin lỗi vì đến trễ” thành “Cảm ơn vì đã đợi”.
“Xin lỗi, đã phiền bạn giúp đỡ” thành “Cảm ơn vì đã giúp một tay”.
“Đấy là do tôi, rất xin lỗi mọi người” thành “Cảm ơn vì giúp tôi nhận ra lỗi của mình”.
2. Cao giọng cuối câu
Mỗi khi kết thúc một câu nói, bạn có nâng giọng cuối câu lên, làm nó giống như một câu hỏi không? Thói quen này khiến đối phương đang trò chuyện với bạn cảm thấy băn khoăn, khó hiểu, không biết bạn đang trả lời họ hay đang đặt câu hỏi. Nó tạo nên sự nghi hoặc từ phía người nghe, họ sẽ tự hỏi không biết bạn có đang nói thật hay không. Nội dung có đến được với mọi người hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách nói, nếu bạn nói một cách không chắc chắn thì bạn cũng chỉ truyền tải được sự hoài nghi mà thôi. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, có một nhóm các dây thần kinh phụ trách nhận dạng tông giọng và đưa ra ý nghĩa tông giọng đó.
Để việc giao tiếp trở nên tự tin và xây dựng lòng tin hơn, mọi lời bạn nói ra phải như một câu khẳng định, không phải câu hỏi. Nếu chưa chắc chắn khả năng trình bày của mình, hãy luyện tập bằng cách ghi âm những gì bạn định nói và nghe lại cho đến khi những gì bạn muốn truyền tải thật rõ ràng, mạch lạc.
3. Cư xử không phù hợp
Thái độ, hành vi ứng xử tốt rất quan trọng nhưng chưa nhiều người thật sự chú ý đến. Những người thản nhiên ngồi rung đùi khi nói chuyện, không bao giờ biết cảm ơn những người xung quanh, liên tục ngắt lời khi mọi người nói đều ít khi nhận được sự tôn trọng. Đây là những điều tế nhị nên hãy cố nhận ra và thay đổi, bởi những thói quen này sẽ gây ấn tượng xấu khó quên với mọi người. Chắc hẳn không ai muốn muốn mọi người “bằng mặt mà không bằng lòng” với mình.
4. Tự cho bản thân là trung tâm
Đã bao giờ bạn nghe những đoạn hội hoại như thế này:
Đồng nghiệp: “Hôm nay tớ thuyết trình nhưng lại quên không nộp bản thảo cho cấp trên. Sao có thể quên đúng hôm quan trọng như thế này chứ”.
Đồng nghiệp khác: “Ôi chả sao đâu. Có lần tớ quên in thiếu mấy văn bản thuyết trình như thế, nhưng may mà các sếp vẫn thích phần trình bày”.
Cách nói chuyện trên không hề thể hiện sự thông cảm hay chia sẻ với đối phương và chắc chắn khiến họ không muốn nói chuyện với bạn lần nào nữa. Bằng việc dùng những câu chuyện đối phương chia sẻ để di chuyển sự chú ý vào bản thân, bạn khiến họ cảm thấy bị thiếu tôn trọng và chán nản khi trò chuyện.
Nếu không biết đưa lời khuyên cũng không sao, bạn chỉ cần lắng nghe và đồng cảm với họ, cho đối phương thấy sự tôn trọng và chia sẻ với những gì họ trải qua. Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cũng là một cách, nhưng hãy nhớ luôn trong chừng mực nhất định, đây là câu chuyện của họ, đừng chỉ chuyển ánh đèn sân khấu vào bản thân mình.
5. “Hóng hớt” mọi thứ
Hóng đủ mọi chuyện rồi “ngồi lê đôi mách” với đồng nghiệp là một thói quen rất xấu, phần lớn sự bất hòa đều đến từ việc này và văn hóa công sở cứ thế xấu dần. Nếu bạn cho rằng ai biết được nhiều thông tin sẽ là người có uy quyền nhất thì sai rồi. Nói xấu, tán dóc chỉ khiến hình ảnh của bạn tệ đi trong mắt đồng nghiệp vì họ đã mất niềm tin ở bạn. Có một sự thật rằng, những người thường xuyên nói về người khác tệ hơn nhiều đối tượng họ nói đến.
Thay vì tham gia vào buổi nói chuyện vô bổ như vậy, chính bạn có thể là người thay đổi. Khi cảm thấy cuộc trò chuyện đang chuyển hướng vào người nào đó, hãy thử nói: “Bạn cảm thấy như thế sao, có thể lần sau sẽ khác” và đơn giản nói về đề tài khác.
6. Ăn mặc không phù hợp
Nếu bạn muốn là người được tín nhiệm, năng lực công việc chắc chắn là khả năng cần có, nhưng đừng bỏ quên vẻ ngoài của mình. Những gì bạn mặc quan trọng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Mọi người sẽ đánh giá dựa trên những gì bạn mặc, và các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc mặc trang phục phù hợp làm cho khả năng tư duy phát triển, khiến bạn có chất lượng công việc tốt hơn
Một nguyên tắc tuyệt vời là ăn mặc cho công việc bạn mong muốn, không phải là công việc đang có, những bộ trang phục này sẽ tạo ra sự thoải mái và bạn có thái độ làm việc tốt hơn.
SƯU TẦM