CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

“YẾU ĐUỐI” VÀ NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ NÓ


“Yếu đuối” là một từ nhạy cảm trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay. Đối với phần đông chúng ta, “yếu đuối” còn là một tính từ có phần độc hại trong các mối quan hệ tình cảm và thường bị hiểu nhầm sang một dạng tính cách phiền toái.

Có lẽ, bạn cũng giống như tôi (và rất nhiều người khác) – chúng ta đều có phần gờn gợn khi nhắc tới sự yếu đuối. Trong tâm tưởng của chúng ta, yếu đuối thường là sự biểu hiện cảm xúc theo chiều hướng bi luỵ, quá đà trước những tác động có phần… không quá lớn. (VD: bạn trai không trả lời tin nhắn, bạn thân bùng hẹn để đi chơi với người khác, không quên được mối tình cũ dù đã nửa năm trôi qua…). Sự thật là: yếu đuối không hề đáng sợ đến như vậy. Sự yếu đuối thực chất lại rất đơn giản, có phần tẻ nhạt nhưng lại là mấu chốt quyền lực có thể thay đổi tích cực lên bất cứ mối quan hệ nào mà bạn đang có.

1. Đầu tiên, hãy xem thử xem những điều được liệt kê dưới đây đã từng xảy ra với bạn chưa:

–  Những cuộc trò chuyện thường ngày của bạn qua tin nhắn, facebook inbox, instagram direct message… thường khá “nhàm chán” và có phần nông cạn. Bạn cũng không có nhu cầu tìm kiếm những cuộc nói chuyện sâu sắc hơn vì tâm lý ngại nhắn tin, nói dài hoặc thậm chí là tranh cãi.

Công việc và cuộc sống của bạn trôi qua khá êm ả nhưng bạn cũng chẳng lấy làm thích thú gì hết. Bạn làm công việc đó, sống cuộc sống đó vì bố mẹ bạn bè bạn nghĩ rằng đấy là những gì tốt nhất dành cho bạn. Còn bạn thì không muốn phụ lòng ai cả.

– Bạn cũng chẳng tập tành ăn uống khắt khe để thay đổi bản thân vì bạn không muốn… quá nổi bật.

Mặc đẹp quá thì lại cảm thấy hơi không thoải mái

– Việc lịch sự mỉm cười với người lạ khiến bạn thấy… sai sai.

– Bạn ngại phải mở lời trước rủ ai đó đi cafe, hẹn hò vì bạn sợ bị từ chối.

Tất cả những biểu hiện ở trên đều quy về một nguyên nhân duy nhất: Bạn kiểm soát bản thân không để bản thân mình trở nên “yếu đuối” trong mắt người khác.

Số đông chúng ta trưởng thành trong những nền văn hoá không cho phép biểu đạt cảm xúc một cách tự do, thoải mái. Không kể tới môi trường xã hội, giáo dục… có lẽ ngay cả bố mẹ chúng ta – những người gần gũi và có ảnh hưởng lớn nhất đối với chúng ta cũng luôn che giấu cảm xúc thật của mình. Chúng ta lớn lên và trở thành một thế hệ hoàn mỹ với cảm xúc được giấu kín trong tim.

Đừng gây chú ý. Đừng phản ứng thái quá. Đừng khác biệt. Đừng điên rồ. Đừng ích kỷ.

Đây chẳng phải là những lời dặn dò xa xôi gì cho cam. Tôi đoan chắc không ít người mang theo những lời tự răn này trong suốt quãng đời niên thiếu cho đến khi trưởng thành bởi nỗi e sợ trở thành mục tiêu cho ai đó ghét bỏ. Đã bao giờ bạn bồn chồn lo lắng bởi ý nghĩ có một ai đó bất kể trai hay gái, già hay trẻ ghét bạn chưa? Nếu câu trả lời là có thì chắc chắn cuộc sống của bạn đang (hoặc đã từng) xoay quanh việc chiều lòng người khác, che giấu những lỗi lầm của chính bản thân và thậm chí là ruồng bỏ trách nhiệm cho hành động của chính mình.

Trở nên yếu đuối trong một mối quan hệ là một hành động trái ngược với việc cố gắng khiến tất cả mọi người thích mình. Trở nên yếu đuối có nghĩa là cho phép những sự từ chối từ phía đối phương được xảy ra với bạn, có nghĩa là cho phép bản thân mình trở nên tự do trong việc biểu đạt cảm xúc chân thực, có nghĩa là cho phép bản thân được sống chân thành nhất có thể. Trở nên yếu đuối có lẽ là một quyết định không hề tệ như bấy lâu nay chúng ta vẫn nghĩ.

2. Yếu đuối thực sự là gì:

Có lẽ, yếu đuối là một trong những khái niệm dễ bị hiểu lầm nhất trong xã hội hiện đại. Đặc biệt đối với những người luôn tìm cách giấu biến đi những gì mình đang cảm thấy thì lại càng có xu hướng hiểu sai ý niệm của sự yếu đuối. Điều này cũng dễ hiểu thôi bởi những biểu hiện mà ta thường nghĩ là yếu đuối ví dụ như nỉ non, khóc lóc, lôi kéo đồng minh… lại không phải là những phản ánh “đúng” của trạng thái tính cách này (Nếu như không muốn nói, đó là những biểu hiện hoàn toàn trái ngược với sự yếu đuối đúng đắn).

Trở nên yếu đuối, là khi bạn ý thức được việc để cảm xúc của mình được bộc lộ một cách tự do và không đòi hỏi những cảm xúc tích cực của người khác dành cho mình. 

Đơn giản chỉ có vậy thôi. Trở nên yếu đuối là khi bạn có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ, ý kiến, cảm xúc, tâm tư của mình mà không màng tới những đánh giá, bình luận từ người khác. Hành động có thể chỉ là việc bạn dành cho ai đó những lời khen có cánh, tiến tới làm quen với một người xa lạ hay không ngần ngại thể hiện tình yêu mạnh mẽ của bạn dành cho người mà bạn yêu quý. Nó còn có nghĩa là bạn tự đặt bản thân mình vào vị trí có thể bị người khác từ chối, nói một câu đùa chẳng ai cười, nêu lên một ý kiến có thể làm mếch lòng người khác, ngồi vào một chiếc bàn chỉ toàn người xa lạ hay thổ lộ với ai đó rằng bạn thực sự thích họ. 

Việc trở nên yếu đuối thật ra rất dễ dàng nếu bạn lặp đi lặp lại những hành động kể trên và bỏ ngoài tai những đàm tiếu bạn có thể nhận lại. Tuy nhiên, nói thì rất dễ nhưng làm được hay không thì chưa chắc. Việc trở nên yếu đuối yêu cầu bạn phải chấp nhận được bất cứ hệ luỵ nào có thể xảy ra đối với hành động của chính bản thân mình: Bạn có thể khiến ai đó phật ý, bạn có thể khiến một ai đó mất vui và bạn có thể mất đi bạn bè hoặc người bạn yêu mến.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: con người vẫn thường bị thu hút bởi những khía cạnh không hoàn hảo của nhau. Vậy nên, hãy yếu đuối, hãy cho thế giới thấy bộ mặt không hoàn hảo của bạn, hãy để bản thân được sống thật chân thành không giấu diếm. Hãy sẵn sàng đón nhận những phản hồi không tích cực và vượt qua những đánh giá có thể có bởi lẽ bản thân bạn là một người không nhỏ mọn đến mức chấp vặt những điều đó.

3. Bộ mặt thật của sự yếu đuối chân thành:

Thú nhận rằng cuộc sống của bạn chẳng tuyệt như những gì bạn bày ra trên mạng xã hội: Bạn cảm thấy thế nào nếu một ngày mọi người phát hiện ra học lực của bạn không tuyệt như bạn vẫn khoe, chiếc túi bạn xách không phải đồ hiệu như bạn nói hay công việc bạn thi thoảng vẫn check-in bận rộn hoá ra lại tẻ ngắt. Đó chắc chắn sẽ là sự pha trộn của nỗi ê chề, xấu hổ và một chút… cay. Đây chẳng phải là câu chuyện hiếm hoi gì trên mạng xã hội ngày nay nhất là khi quyền năng của số lượng followers hay likes đang ngày càng khiến những giá trị thật trở nên xa vời. 

Hãy thành thật với những người xung quanh và thành thật với chính bản chất của mình. Sự thực là nếu như bạn không giỏi một việc gì đó và bạn không ngại thừa nhận điều đó, những người xung quanh sẽ có xu hướng tôn trọng bạn hơn. Bởi lẽ, mọi người sẽ nhìn nhận đó là một hành động quả cảm, tự tin vào chính bản thân mình theo chiều hướng tích cực. Tất lẽ dĩ nhiên, họ cũng sẽ đáp lại bạn bằng sự chân thành và những suy nghĩ tích cực mà thôi. Nếu không giỏi nấu ăn, đừng cố bày vẽ. Nếu không giỏi giao tiếp có thể thổ lộ với ai đó đáng tin cậy và tìm kiếm lời khuyên phù hợp.

4. Chịu trách nhiệm cho những việc mình làm và ngừng đổ lỗi: Trong chúng ta, ai cũng đã từng gặp một người luôn đổ lỗi cho người khác, một cá thể luôn viện được lý do để không bị quy kết trách nhiệm cho hành động của mình:

– Một anh chàng chỉ biết mang những lỗi lầm của cô bạn gái cũ để chì chiết cô bạn gái trong mối quan hệ hiện tại. Hẳn nhiên ai cũng nhận ra rằng anh ta mới là vấn đề trong một mối quan hệ thay vì “đối tác” của anh ta. 

– Người bạn đồng nghiệp luôn tụt lại phía sau với những dự án dang dở hoặc không đáp ứng được chỉ tiêu đề ra. Thay vì nhìn nhận thiếu sót của bản thân, người bạn này lại chỉ chăm chăm bới móc những yếu tố ngoại cảnh như văn hoá công ty, sự trì trệ của nền kinh tế… tất cả các yếu tố ngoại trừ chính năng lực của họ.

– Một cô gái đổ lỗi cho tất cả đàn ông trên thế giới này, gán cho họ những tính cách xấu xa hay cái nhìn miệt thị chỉ vì những mối quan hệ đổ vỡ trong quá khứ.

Sự thật đó là: Khi bạn lên tiếng nhận trách nhiệm về mình – đó là một hành động biểu trưng cho một thứ quyền lực vô hình, thứ quyền lực có thể kiểm soát giải quyết được vấn đề. Khi bạn quy trách nhiệm cho người khác, bạn đã chuyển thứ quyền lực đó sang cho người khác. Và vấn đề nằm ở chỗ bạn không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của người mà bạn đổ lỗi; từ đó bạn cũng mất đi quyền kiểm soát được vấn đề vốn dĩ là của bạn.

Việc nhận trách nhiệm cho hành động của bản thân là một ví dụ tuyệt vời của sự yếu đuối bởi lẽ: Khi thực hiện việc nhận trách nhiệm này, bạn cho thấy bản thân bạn không hề bị nao núng trước các tác động ngoại cảnh, bạn chấp nhận thực tại và sẽ thay đổi nó bằng tất cả những gì bạn có.

5. Lên tiếng khi có ai đó đi quá giới hạn: Đây không phải một công việc dễ dàng. Bạn lên tiếng khi có ai đó nói những câu đùa cợt vô duyên dai dẳng, lên tiếng khi ai đó không nhận ra rằng họ đang hành xử quá đáng, lên tiếng khi cuộc tranh luận nổ ra theo chiều hướng công kích cá nhân… Đó là những khoảnh khắc khi bạn đứng lên và bảo vệ lấy lằn ranh giới hạn của mình (hay của một ai đó bạn yêu quý). Điều này có lẽ sẽ tạo ra những kết quả trái ngược với lối sống an toàn không muốn ai phật lòng mà chúng ta đã nhắc đến ở đầu câu chuyện. Người mà bạn nhắc nhở, họ có thể là người quen với bạn, họ có thể đón nhận lời nhắc một cách đầy chủ quan và thậm chí sẽ dẫn tới khó chịu với bạn. Nhưng đó đồng thời cũng là lúc bạn cảm nhận được sức mạnh tự do mà sự yếu đuối mang lại: Khi bạn hoàn toàn để cho những suy nghĩ, đánh giá phải trái của mình được người khác biết.

6. Thổ lộ cảm xúc của bạn với một ai đó: Đây chính là hành động bộc lộ sự yếu đuối ở mức độ cao nhất và cũng là hành động dễ khiến bạn bồn chồn lo lắng nhất (easiest to mess up with)

Tất cả những hành động này yêu cầu bạn bộc lộ bản thân mình ở một mức độ riêng tư nhất. Bởi lẽ, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được người mà bạn thổ lộ tình cảm sẽ nghĩ thế nào về bạn. Điều này cũng có nghĩa những gì mà họ cảm thấy về bạn không giống như những gì mà bạn nghĩ về họ. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong mối quan hệ mà hai bạn đang có và rất nhiều những hệ quả có thể xảy ra khác.

Nhưng trước khi bạn tiến tới một anh chàng xa lạ đẹp trai và dốc hết lòng mình ra với chàng ta, hãy điểm qua một chút những sự khác nhau cơ bản giữa việc thể hiện sự yếu đuối của mình và sự mất kiểm soát về cảm xúc. (emotional psychopathy).

7. Sự yếu đuối có thể là rất nhiều thứ, nhưng không phải những điều sau:

Yếu đuối không phải một mánh khoé:

Như đã nói ở trên, việc để cảm xúc thật của bạn được bộc lộ có thể mang đến những phản ứng tích cực từ người xung quanh (yêu quý, tôn trọng, mến mộ…) nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn sử dụng sức mạnh của sự yếu đuối để đạt được những mục đích mang tính cá nhân. Nếu như bạn thổ lộ những tổn thương thuở thiếu thời, những cảm xúc tiêu cực khi bị cô bạn gái cũ đá hay cái chết của một chú chó bạn nuôi hàng chục năm CHỈ ĐỂ lấy lòng cô gái đối diện, khiến cô ta thương cảm mà hẹn hò với bạn. Thì đó không phải là sự yếu đuối chân thật mà chúng ta đang hướng đến. Đó là mánh khoé giúp bạn thao túng người khác.

Sự khác biệt cơ bản giữa những khái niệm này đó chính là mục đích đằng sau mỗi hành động của bạn. Bạn nói câu đùa đó ra vì bạn thực sự nghĩ nó buồn cười hay bạn đang muốn mọi người nghĩ rằng bạn là người vui tính? Bạn chia sẻ những cuốn sách hàn lâm bạn đang đọc vì bạn thực sự muốn nói về những thông tin đó hay bạn muốn người khác nhìn nhận bạn là một người tri thức? Bạn khởi nghiệp vì bạn thực sự chán công việc hiện tại và muốn làm những thứ bạn thực sự đam mê hay chỉ vì bạn muốn tạo ấn tượng với người khác?

Mục đích của sự yếu đuối chân thật chính là việc thể hiện bản chất thực sự một cách thật thà nhất có thể. Một khi có mục đích khác chen ngang (mà ở đây thường là việc lấy lòng người khác) thì sự yếu đuối không còn là sự yếu đuối thật thà nữa mà thay vào đó là sự lươn lẹo, bán rẻ cả những kí ức riêng tư nhất để khiến mọi người làm theo ý mình.

Không kiểm soát được cảm xúc:

Một trong những vấn đề thường gặp là người ta dễ nhầm lẫn việc không kiểm soát được cảm xúc với sự yếu đuối.

Đó là khi bạn bất chợt để một mớ cảm xúc lẫn lộn ùa tràn vào trong cuộc hội thoại một cách không kiểm soát và khiến người đối diện phải hoảng hốt.

Việc không kiểm soát được cảm xúc khá phức tạp ở chỗ: Đây cũng là một hành động xuất phát từ việc bộc lộ bản chất thật sự của mình. Tuy nhiên với khối lượng cảm xúc được thể hiện ra cùng một lúc như vậy lại khiến người khác có cảm giác bạn chỉ đang thể hiện sự tuyệt vọng và chèo kéo sự quan tâm từ những người xung quanh mà thôi. Thật sự, những cảm xúc mang tính tiêu cực và phải vịn vào người khác thế này thường được cất giấu rất lâu trong tâm khảm của mọi người. Chính vì vậy, đến một thời điểm nhất định, những cảm xúc này cần được giải thoát. Và lúc này, sự không kiểm soát cảm xúc sẽ xảy ra hay còn có tên gọi khác là thời điểm chấm dứt những nỗi tổn thương sâu thẳm.

Tôi có một cô bạn. Cô ấy vừa trải qua một mối tình khá cay đắng với cặp sừng cứ mỗi ngày một cao mọc trên đầu. Ở vào những tuần đầu tiên khi mới chính thức chia tay gã người yêu “đốn mạt”, tôi và hội bạn thân thương cảm và lo lắng cho cô ấy. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải thường xuyên nghe những câu chuyện xấu xí về cách gã ta đã đối xử với cô ấy như thế nào và gã là một kẻ tồi tệ ra sao. Tuy nhiên, khi những câu chuyện đó bắt đầu được lặp đi lặp lại trong các tháng tiếp theo, chúng tôi bắt đầu… chán ngấy. Cô bạn tôi vẫn không thể dứt ra được hình bóng gã bạn trai cũ và những cảm xúc tiêu cực vẫn đeo bám cô nhiều tháng sau khi đã chia tay. Sự giận dữ và căm thù gã bạn trai cũ đã chặn đứng mọi niềm vui khác xảy ra trong cuộc đời của cô ấy. Sự mất kiểm soát trong cảm xúc không có giá trị chữa lành tổn thương, đó chỉ là một dấu hiệu cho thấy bạn cần làm gì đó để chữa lành cho bản thân bạn mà thôi. Khi sự mất kiểm soát xảy ra nhiều hơn 2 lần, hãy ngồi xuống, tìm đến những lời khuyên phù hợp và tự vấn lại chính bản thân mình. Có lẽ bạn đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào một mối quan hệ trong khi thực sự quên mất bản thân mình là ai. Cô bạn tôi đã đặt trọn niềm tin vào gã bạn trai mà quên bẵng đi mất rằng có lẽ ở vai trò một người bạn gái, cô cũng chưa hẳn là xuất sắc cho lắm. Sự nhận thức này thực sự rất khó khăn và có phần đau thương nhưng lại là cần thiết để bạn ý thức được bản thân mình cũng như những trách nhiệm, suy nghĩ của mình trong các mối quan hệ.

8. Sức mạnh của sự yếu đuối:

Trong cuốn sách Daring Greatly (Dám vĩ đại), Brene Brown từng viết: Nếu một người có thể chấp nhận mọi lời bình luận và không ngần ngại phô bày sự yếu đuối của mình, người đó đã mang đến một tuyên ngôn kinh điển: Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì về tôi, đây là chính tôi và tôi từ chối trở thành một phiên bản khác.

Đó chính là sự đảo chiều của một quy luật: Để trở nên vững vàng và mạnh mẽ, bạn phải bộc lộ những nỗi sợ và điểm yếu của mình ra thế giới. Bằng cách làm như vậy, thế giới không còn khả năng kiểm soát, ảnh hưởng lên bạn nữa và thế giới sẽ để bạn sống cuộc đời mình một cách chân thành và tự do nhất.

Việc tập luyện để trở nên thoải mái hơn với sự yếu đuối của chính mình không đơn giản, đó là một hành trình tìm kiếm và nhìn nhận thực tế về bản thân. Một hành trình không thể hoàn tất chỉ trong một đêm ngủ say giấc. Nhưng bất cứ hành trình gian nan nào cũng sẽ có trái ngọt phía cuối con đường. Với hành trình này, đó chính là sự tưởng thưởng cho lòng dũng cảm của bạn, đó là sự kết nối sâu sắc, chân thành trong tất cả các mối quan hệ, là sự bình yên mà bất cứ ai cũng mong muốn khi bước tới trao gửi tấm lòng và trái tim mình cho một người xa lạ.

SƯU TẦM

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com