CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

NHỮNG ĐIỀU CẦN BUÔNG BỎ CÀNG SỚM CÀNG TỐT


Đại dịch Covid-19 lần này chính là một lời nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời luôn đầy những bất trắc, thời gian của con người là hữu hạn. Có người hôm nay giàu có, đi xe sang ở nhà xịn, nhưng ngày mai đã phá sản không xu dính túi. Có người hôm nay còn khỏe mạnh mà vui vẻ nói cười, nhưng ngày mai đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh quái ác. Ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng tột cùng, chúng ta mới nuối tiếc vì đã không thể hoàn thành rất nhiều tâm nguyện khi xưa của mình nhưng mọi thứ đã quá muộn rồi.

Chúng ta ít khi nhận ra rằng khi đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, có những thứ trở nên không còn quan trọng nữa. Vì thế, đừng để chúng cản trở mình khi khi bạn còn cơ hội để sống và tận hưởng cuộc đời này.

1. Sự từ chối và xấu hổ

“Việc đương đầu với sự từ chối là điều cần thiết; hãy chấp nhận rằng bạn sẽ bị từ chối” – Robert Genn.

Mặc dù chúng không gây hại cho bạn về mặt thể chất, sự từ chối và cảm giác xấu hổ có lẽ là hai nỗi sợ lớn nhất của hầu hết mọi người.

Thế nhưng, những thứ này trên thực tế lại không quá tồi tệ như bạn tưởng tượng. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là bạn không có được thứ mình muốn. Sau đó, bạn sẽ nhanh chóng quên đi.

Có người từng nói: “20 tuổi, bạn bận tâm đến điều mọi người nghĩ. 40 tuổi, bạn ngừng bận tâm điều mà mọi người nghĩ. 60 tuổi, bạn nhận ra chẳng ai nghĩ gì về mình ban đầu cả.”

Chúng ta đã quá quan tâm đến cảm xúc bất chợt mà quên đi hạnh phúc lâu dài. Nếu sống đủ lâu, bạn sẽ nhận ra mình không quan tâm đến chúng nhiều đến thế trong đời mình, nhưng lại để chúng ngăn cản mình làm những điều mình muốn.

2. Những tình huống rủi ro

“Tôi sẽ nói cho bạn điều gì đã thay đổi cả cuộc đời tôi: Tôi phát hiện ra tất cả mọi thứ đều có rủi ro. Ngay giây phút bạn sinh ra cũng là một rủi ro. Nếu bạn nghĩ thử sức là điều rủi ro, hãy chờ cho đến khi bạn phải trả giá vì không thử” – Jim Rohn.

Cách bạn đối mặt với rủi ro sẽ quyết định sự thành bại của bạn trong tương lai. Không có con đường nào chỉ trải đầy hoa hồng; đôi khi chúng ta phải liều một chút mới có thể chạm tay vào chiến thắng.

Nếu thứ bạn muốn làm không đến mức đẩy bạn vào cảnh túng quẫn, vậy tại sao không thử làm? Đối mặt với cái chết mới là điều đáng sợ nhất, ngoài ra bạn đâu còn gì để mất? Tiền ư? Có thể bạn sẽ muốn giữ nó để phòng những lúc khó khăn, để dành cho tới tuổi về hưu.

Giả sử bạn muốn kinh doanh và cần đầu tư 10.000 USD. Con số đó rất lớn, nhưng nó cũng chẳng là gì nếu bạn phải đối mặt với cái chết. Vì thế, hãy sử dụng nó đúng cách khi bạn vẫn còn đang sống trên đời.

Kể cả khi bạn liều mạng và chấp nhận mất mát, nhưng chỉ cần chưa sụp đổ hoàn toàn, bạn nhất định sẽ sống. Còn nếu bạn thành công, đó sẽ là một kỷ niệm tuyệt vời mà bạn sẽ sẽ nhớ mãi cho tới tận cuối đời.

3. Hồ sơ xin việc (C.V)

“Tại sao con người có thể thích thú với việc ngủ dậy lúc 6h30 sáng bởi tiếng chuông báo thức, rồi nhảy ra khỏi giường,  mặc đồ, cố gắng ăn sáng, đánh răng, rửa mặt, vượt qua vô số điểm tắc đường chỉ để đến một nơi bạn làm ra cả đống tiền cho người khác và được yêu cầu phải biết ơn vì có cơ hội thực hiện điều đó?” – Charles Bukowski

Trong cuộc sống, có không ít người cắn răng nhẫn nhịn làm một việc mình không yêu thích chỉ vì nó mang lại cho mình tiền bạc, quyền lực và thành công. Có những người lại làm việc đến kiệt sức chỉ để xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về bản thân. Thế nhưng, liệu bạn đã từng hỏi mình làm thế để làm gì, để gây ấn tượng cho ai chưa?

Đây chính là một trong những bi kịch mà con người trong xã hội hiện đại phải đối mặt.

Chúng ta được hứa hẹn rằng chỉ cần thành công là sẽ có được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của mọi người. Đó chính là sai lầm chết người của chúng ta: cố gắng xây dựng hình ảnh để làm hài lòng người  khác thay vì khiến bản thân hạnh phúc.

Thành công trong một lĩnh vực bản thân không thích thú có thể giúp bạn tạo dựng chỗ đứng trong cộng đồng không? Có. Khi họ nhìn thấy bạn bước ra từ chiếc BMW mới toanh trong bộ suit Armani bảnh bao, người ngoài có vì thế mà ấn tượng không? Có, nhưng chỉ trong 5 giây ngắn ngủi.

Vấn đề là, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn thứ mình yêu thích và kiếm được tiền từ nó. Thay vì cố gắng kiếm tiền từ những điều mình ghét cay ghét đắng rồi phải dùng giải thường và thành quả để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn.

Đừng ngại ngần làm những gì mình yêu thích, bởi khi phải đối mặt với cái chết sau này,  bạn sẽ chẳng còn nhớ về những thành tựu trong sự nghiệp mình lúc xưa đâu.

4. Tranh cãi nhỏ nhặt và bất đồng quan điểm

“Không có gia đình nào là hoàn hảo…; chúng ta tranh cãi, chúng ta đánh nhau. Thỉnh thoảng chúng ta còn không thèm nói chuyện với nhau, nhưng cuối cùng, gia đình vẫn là gia đình… tình yêu vẫn luôn tồn tại ở đó.”

Mối quan hệ giữa con người rất phức tạp. Đôi khi vì hiểu nhầm, hay vì một sai lầm không thể tha thứ mà ta buộc phải cắt đứt mối quan hệ với một ai đó thân thiết. Tuy nhiên, vào giờ phút cận kề cái chết, bạn sẽ thấy tất cả những giận dỗi, bất đồng đó chẳng đáng để mình phí hoài thời gian mà nhẽ ra có thể dành cho gia đình, người thân và bạn bè.

Trong một hội thảo nọ, người diễn thuyết đã hỏi khán giả trong phòng rằng liệu có ai đó có hiềm khích với bạn, nhưng sẽ khiến bạn hối hận vì chưa kịp làm lành nếu chẳng may người đó qua đời. Sau đó, ông ta yêu cầu mọi người ra ngoài và gọi điện thoại cho người đó.

Ngày hôm sau, cũng tại buổi hội thảo đó, một người phụ nữ đứng dậy và nghẹn ngào phát biểu. Cô cho biết, chỉ vài phút sau khi ra ngoài và gọi điện cho cha mình để làm lành, ông ấy đã gặp tai nạn và qua đời. Cô ấy nuối tiếc những tháng ngày lãng phí trong khi có thể hàn gắn quan hệ với cha, nhưng ít nhất, cô vẫn kịp nói chuyện với cha trước khi ông qua đời – điều mà cô đã không làm trong nhiều năm qua.

Khi siêu sao bóng rổ Kobe đột ngột qua đời, cả nghìn người đã ngay lập tức gọi điện nói lời yêu thương cha mẹ mình. Nhưng rồi sau đó, mọi thứ quay trở về bình thường và chúng ta lại quên đi sự thật rằng cái chết đang rình rập mình ở bất kỳ nơi nào.

Vì thế, đừng so đo, chấp nhặt những cuộc cãi vã hay bất đồng quan điểm, vì thời gian để yêu thương những người xung quanh thực sự không hề nhiều.

5. Cố cho bằng bạn bằng bè

“Chúng ta mua những thứ mình không cần bằng số tiền mà chúng ta không có để gây ấn tượng với những người chúng ta không ưa.” – Dave Ramsey

Những người bạn thực sự quý mến và những người thực sự quý mến bạn sẽ chẳng bao giờ quan tâm bạn lái xe gì, sống ở căn nhà như thế nào, mặc đồ của hãng gì.

Đừng cố gắng để gây ấn tượng với những người không ưa bạn. cũng như những người bạn không ưa. Hãy cứ lái chiếc xe mà bạn thích, mua căn nhà vừa vặn với mình và mặc bộ đồ mình cảm thấy thoải mái, dù đó là hàng hiệu hay không.

Thay vì dành tiền bạc, thời gian và sức lực cho những người không ưa mình, bạn có thể dùng chúng để có những trải nghiệm tuyệt vời cho bản thân.

Bạn có thể sẽ không nhớ hãng xe mà mình đang đi, nhưng chắc bạn sẽ không bao giờ quên được chuyến đi du lịch vòng quanh châu Âu, bài thuyết trình giúp bạn xây dựng sự nghiệp, buổi hòa nhạc do nghệ sĩ yêu thích tổ chức…

Ai cũng thích tiền, nhưng tiền không chỉ cho bạn thứ mình muốn, mà còn cho bạn tự do và phương tiện để làm điều mình muốn. Tiền có thể giúp bạn có những trải nghiệm tuyệt vời làm cuộc sống thêm phong phú hơn.

Thế nhưng, trước khi có được số tiền đó, bạn phải ngừng quan tâm xem người khác nghĩ gì, ngừng cảm thấy lo sợ việc bị từ chối, ngừng hèn nhát trước thất bại và làm mọi thứ cần làm để kiếm tiền trước khi bạn hết thời gian.

SƯU TẦM

 

 

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com