BẠN ĐÃ BIẾT NHỮNG BÀI HỌC VƯỢT QUA NHỮNG NGHỊCH CẢNH CỦA CUỘC SỐNG?
Trong chương trình huấn luyện Hải quân SEAL, có một bài tập gọi là “Chống chết chìm” (drown-proofing). Người ta sẽ buộc tay những người lính vào phía sau lưng, trói chân lại và ném họ xuống một bể bởi sâu khoảng 2,7m. Nhiệm vụ của những người lính đó là sống sót qua 5 phút.
Giống như hầu hết các bài tập trong chương trình huấn luyện của SEAL, gần như mọi người lính đều không vượt qua bài drown-proofing này. Khi bị quăng xuống nước, nhiều người hoảng sợ, họ hét lên muốn được kéo vào bờ. Một số thì vật lộn cho tới khi đuối sức, bắt đầu mất ý thức và phải chờ cho tới khi được kéo lên và giúp tỉnh lại. Thậm chí, một số người đã mất mạng trong bài tập này. Nhưng cũng có một số ít người thành công. Đó là nhờ họ hiểu được 2 bài học tưởng như nghịch lý sau:
Bài học số 1: Bạn càng vùng vẫy, cố ngoi lên để giữ đầu cao hơn mặt nước thì bạn càng dễ chìm hơn
Khi tay chân đều bị trói, bạn sẽ không thể giữ cả cơ thể nổi trên mặt nước trong suốt 5 phút. Tệ hơn, những nỗ lực để nổi lên lại khiến bạn chìm nhanh hơn.
Bí quyết ở đây là, hãy để cơ thể của bạn thả lỏng và thực sự chìm xuống đáy. Từ đó, bạn nhẹ nhàng đạp chân đẩy cơ thể khỏi sàn bể một chút và quán tính cùng sức nước sẽ đưa bạn lên mặt nước để hít thở. Tiếp tục lặp lại quá trình đó liên tục, bạn sẽ sống sót.
Điều đặc biệt là, để sống sót qua bài tập drown-proofing, bạn không cần có thể lực quá mạnh hay sức chịu đựng của “siêu nhân”. Thậm chí, bạn không cần biết bơi. Thay vì cố gắng chống lại những định luật vật lý, điều bạn cần làm là “đầu hàng”, sử dụng chính những định luật vật lý để cứu chính mình.
Bài học số 2: Bạn càng hoảng sợ thì bạn càng tiêu thụ nhiều oxy hơn, càng nhanh bất tỉnh hơn
Bài tập này khiến những bản năng sinh tồn trở thành “kẻ thù” chống lại chính bạn. Càng cố vùng vẫy, hít thở nhiều, bạn càng có ít cơ hội để thở hơn. Càng mong muốn sống mãnh liệt, tỷ lệ tử vong càng cao.
Drown-proofing không chỉ là bài kiểm tra thể lực mà là một bài khả năng kiểm soát cảm xúc của mỗi người lính SEAL trong những tình huống nguy hiểm nhất. Liệu anh ta có thể kiểm soát được sự thôi thúc bên trong? Liệu anh ta có thể thả lỏng cơ thể trong thời khắc đối mặt với cái chết? Liệu anh ta có sẵn sàng liều mạng để phục vụ những giá trị hay mục tiêu cao cả?
Đó là những kỹ năng quan trọng hơn rất nhiều so với khả năng bơi lặn, sự dẻo dai, sức bền hay tham vọng của bất cứ người lính SEAL nào. Nó quan trọng hơn trí thông minh, bằng cấp hay vẻ bề ngoài của anh ta.
Từ bỏ kiểm soát khi ta muốn nó nhất là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mỗi người có thể phát triển. Nó không chỉ quan trọng đối với những người lính SEAL mà còn với mọi người trong cuộc sống. Vì hầu hết mọi người cho rằng mối quan hệ giữa nỗ lực và phần thưởng là một đổi một. Chúng ta nghĩ rằng làm việc nhiều gấp đôi sẽ mang lại kết quả gấp đôi. Quan tâm gấp đôi chúng ta sẽ được yêu thương gấp đôi.
Drown-proofing tuân theo một đường cong nghịch đảo. Bạn càng cố gắng ngoi lên mặt nước, bạn càng thất bại. Tương tự, bạn càng khao khát để thở, bạn càng dễ sặc vài ngụm nước hồ hòa nước tiểu.
Và nhiều điều trong cuộc sống cũng hoạt động theo quy luật tương tự. Càng khát khao hạnh phúc, bạn càng bị đẩy ra xa nó. Càng mong muốn tự do, bạn càng cảm thấy bị mắt kẹt. Nhu cầu được yêu thương và chấp nhận càng lớn, bạn càng cảm thấy thiếu thốn và khó chấp nhận chính mình. Càng cố gắng có ý thức làm điều gì đó, chúng ta càng ít khả năng thành công.
Sự thành thạo và kết quả chỉ để với những người hiểu được “nghịch lý” như bài tập drown-proofing. “Quy luật trái ngược” này tồn tại trong hầu hết những khía cạnh của cuộc sống từ sức khỏe tinh thần tới các mối quan hệ:
1. Kiểm soát: Ta càng cố gắng kiểm soát những thôi thúc và cảm xúc của chính mình bao nhiêu, ta càng thấy bất lực bấy nhiêu. Đời sống cảm xúc của chúng ta là bất kham và thường không thể kiểm soát, và mong muốn kiểm soát sẽ chỉ khiến nó tệ đi. Ngược lại, chúng ta càng chấp nhận những cảm xúc và thôi thúc, chúng ta càng biết cách định hướng rõ ràng và xử lý chúng dễ dàng.
2. Tự do:Mong muốn có được sự tự do nhiều hơn, trớ trêu thay lại giới hạn chúng ta theo nhiều cách. Tương tự, ta chỉ thực sự tự do khi ta giới hạn chính mình—bằng việc chọn và tuân theo một vài điều trong cuộc sống.
3. Hạnh phúc:Cố gắng hạnh phúc chỉ khiến ta thêm bất hạnh. Chấp nhận sự bất hạnh lại khiến ta hạnh phúc.
4. An toàn:Bạn càng cố gắng tìm kiếm cảm giác an toàn thì càng cảm thấy bất an hơn. Ngược lại, trở nên thoải mái với sự bất định lại cho phép bạn cảm thấy an toàn thực sự.
5. Tình yêu:Chúng ta càng cố gắng khiến người khác yêu và chấp nhận mình thì càng tự đẩy bản thân ra xa họ. Vì thế hãy yêu và chấp nhận chính bản thân mình trước tiên.
6. Tôn trọng: Chúng ta càng đòi hỏi sự tôn trọng, thì người khác càng ít tôn trọng ta. Khi chúng ta tôn trọng người khác nhiều hơn, họ sẽ tự khắc tôn trọng chúng ta hơn.
7. Niềm tin:Bạn càng cố gắng chứng tỏ sự đáng tin của bản thân thì càng khiến người khác mất lòng tin. Khi tin tưởng người khác nhiều hơn, họ cũng tin tưởng bạn nhiều hơn.
8. Tự tin: Càng cố gắng cảm thấy tự tin bao nhiêu, thì càng cảm thấy bất an và lo lắng bấy nhiêu. Khi biết cách chấp nhận lỗi lầm của bản thân, bạn sẽ thoải mái hơn khi là chính mình.
9. Thay đổi:Càng mong muốn thay đổi bản thân chúng ta càng thấy mình chưa thay đổi đủ. Trong khi đó, càng chấp nhận bản thân mình thì chúng ta càng phát triển và trưởng thành, vì chúng ta sẽ rất bận rộn với những điều thú vị và mới mẻ đến mức chẳng nhận ra điều đó nữa.
10. Ý nghĩa: Chúng ta càng cố theo đuổi một mục đích hay ý nghĩa sống sâu sắc hơn, thì càng bị tự ám ảnh và nông cạn hơn. Hãy cố gắng khiến cuộc sống hàng ngày của chính mình thêm ý nghĩa, bạn sẽ cảm nhận được sâu sắc tác động của nó.
SƯU TẦM