NHỮNG KỸ NĂNG SỐNG NÊN ĐƯỢC BIẾT SỚM
Mỗi một con người đều có sự gắn bó mật thiết với cha mẹ về mặt tâm lý, đặc biệt là lúc còn nhỏ. Hành động và sự dạy bảo của bố mẹ sẽ để lại dấu ấn sâu đậm, tác động tới quá trình hình thành hệ thống ý thức và tư duy cá nhân của con trẻ. Do đó, giáo dục thời thơ ấu của mỗi cá nhân sẽ là nền tảng cốt yếu để quyết định sau này họ trở thành người như thế nào.
Đặc biệt, có những bài học cuộc sống mà chúng ta chỉ có thể đánh đổi bằng một cái giá rất đắt nếu học ở trường đời. Nhưng khi nó được chỉ bảo bởi mẹ cha, họ sẵn sàng dạy cho ta bằng tất cả sự chân thành, lại không yêu cầu hay đòi hỏi bất cứ thứ gì.
Ba bài học sau đây chính là một trong số đó. Biết đến càng sớm, chúng ta càng có nhiều cơ hội để thay đổi cả đời người.
1. Khi có sức khỏe, người ta có thể mơ ước đủ thứ, nhưng khi không có sức khỏe, người ta chỉ mơ có được sức khỏe mà thôi
Hãy trân trọng cơ thể của mình ngay từ khi còn trẻ và chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.
Một người đàn ông tri thức gặp một ông lão ăn mặc giản dị trên đường. Dù lưng đeo giỏ thuốc rất to và nặng, ông vẫn nhẹ nhàng bước đi, miệng còn vui vẻ ngâm nga hát hát.
Người đàn ông thấy lạ bèn hỏi: “Ông ơi, có chuyện gì khiến ông vui thế?”
Ông lão đáp: “Tôi có một đôi mắt sáng và một đôi chân khỏe mạnh, chẳng lẽ nhiêu đó còn chưa đủ khiến tôi thấy vui vẻ hay sao?”
Người đàn ông nghe vậy, chỉ tự nhủ rằng: “Đúng là ông lão nhàm chán, quê mùa, chắc hẳn cả đời ông ta còn chẳng bao giờ được hưởng thụ niềm vui sướng giàu sang.”
Sau đó ít lâu, người đàn ông trí thức bỗng nhiên mắc bệnh nặng, cả người choáng váng, cơ thể mệt mỏi, thậm chí hơi thở cũng rất nặng nhọc và chỉ có thể nằm trên giường.
Lúc này, bệnh lâu ngày, dù đặt trước mặt toàn bào ngư, vi cá, sơn hào, hải vị, anh ta cũng cảm thấy thật nhạt nhẽo. Qua khung cửa sổ, anh ta mới cảm thấy thèm khát cảm giác khỏe mạnh để tận hưởng phong cảnh tươi đẹp ngoài kia.
Anh ta hiểu ra rằng, so với ông lão giản dị lần trước, bản thân mình mới nông cạn biết bao. Khỏe mạnh không nhất định là có được tất cả mọi thứ, nhưng mất đi sức khỏe chắc chắn sẽ mất hết mọi thứ.
Đôi khi, thành công luôn đi kèm với sự đánh đổi, có thể là về thời gian, có thể về gia đình, có thể về sức khỏe, càng có thể là về cả ba. Nếu ta lên đỉnh thành công mà không có thời gian và gia đình, ta sẽ không thể hưởng thụ nó trọn vẹn nhất. Nhưng nếu ta thiếu đi sức khỏe, vậy thành công đến mấy cũng trở thành vô nghĩa.
Vậy mới thấy sức khỏe là tài sản quý giá quan trọng nhất của con người. Chúng ta phải giữ gìn và rèn luyện để có sức khỏe tốt nhất trong hành trình đi đến thành công.
2. Mọi sự trưởng thành đều bắt nguồn từ tư duy độc lập. Đó mới là nền tảng của tính sáng tạo và phát kiến
Khi còn nhỏ, chúng ta đều nên được cha mẹ dạy cách suy nghĩ, tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình từ những việc nhỏ nhất. Chẳng hạn như tự quyết định món đồ ăn vặt của mình và tự xách chúng nếu được mua, hay tự quyết định quần áo hôm nay mình muốn mặc và thu dọn quần áo bẩn của bản thân để đem đi giặt…
Trong quá trình rèn luyện liên tục, các kỹ năng không ngừng hình thành cùng với những thói quen tốt được tạo ra, niềm vui thành công và sự tự tin cũng được thiết lập cho mỗi cá nhân. Đây chính là khởi đầu cho tư duy tự lập, nâng cao ý thức trách nhiệm và giảm bớt sự phụ thuộc, ỷ lại vào người khác.
Cuốn sách “Tư duy độc lập” của tác giả Lưu Dung có đoạn viết như sau:
“Mỗi lần dạo qua hàng sách tôi lại thấy ngành xuất bản ngày nay thật phát đạt, lượng sách thật phong phú và học sinh ngày nay thật may mắn vì có nhiều sách để đọc, không phải khổ công tìm sách như xưa nữa. Thế nhưng khi dạy học tôi lại có cảm giác là khả năng sáng tạo của lứa học sinh ngày nay dường như không bằng thế hệ trước. Xét kỹ chỉ vì các em có nhiều sách tốt, dễ dàng tiếp xúc với thành quả của người khác nên xem nhẹ tư duy độc lập“.
Quả thật, thứ gì càng dễ có thì càng dễ làm thỏa mãn, càng dễ bị xem nhẹ, càng khó tiến bộ. Chỉ có độc lập từ trong tư duy mới tạo thành tiền đề phát triển vững chắc nhất.
3. Học cách kiểm soát bản thân: Chính những hành động của chúng ta sẽ tạo nên số phận của chúng ta. Bánh xe vận mệnh phải được nắm trong tay chính mình.
Người có khả năng kiểm soát bản thân kém biết nó là một bất lợi vì có ý chí kém. Vì lẽ đó, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta cần phải biết cách tự kiểm soát thời gian và hành động của mình.
Điều này có thể thể hiện trong kế hoạch sử dụng thời gian rảnh rỗi, có thể vẽ tranh, đọc cuốn truyện yêu thích, tập đàn tập hát, hoặc vui chơi với bạn bè…
Điều quan trọng ở đây là thông qua từng khung thời gian, chúng ta có thể học được cách tôn trọng các kế hoạch đề ra, không vì nhất thời ham vui mà nuông chiều bản thân.
Khi đã xây dựng thói quen hành động theo kế hoạch định sẵn, chúng ta sẽ không bao giờ mắc xu hướng tự trì hoãn bản thân. Đây là chứng bệnh “nan y” mà đại bộ phận giới trẻ không thể tránh khỏi với câu cửa miệng “thôi để đó đi”/”để mai tính”/”đợi lát nữa“, dẫn tới biểu hiện chần chừ, tự ti, thiếu năng nổ và nhiệt tình.
Nếu ngay cả bản thân mà còn không khống chế được thì dù cho bạn cả thế giới, sớm hay muộn bạn cũng sẽ phá hủy tất cả. Kiểm soát bản thân đúng cách sẽ giúp chúng ta thay đổi cả đời mình.
SƯU TẦM