MỘT VÀI BỆNH LÝ TINH THẦN VÀ CÁCH XỬ LÝ
Bác sĩ Leanne Williams – người sáng lập ra Trung tâm Sức khỏe Tinh thần Stanford (PMHW) – và các cộng sự đã nghiên cứu về các tác động tiêu cực của stress. Họ đã tìm ra được 6 cách mà mạch vòng não – thứ chịu trách nhiệm cho các triệu chứng bệnh lý tinh thần – có thể bị gián đoạn hoặc mắc kẹt, hay còn là 6 kiểu sinh học.
Khi bạn cảm thấy liên tục stress tới mức mất kiểm soát, chẳng hạn như trong đại dịch hiện tại, áp lực sẽ dồn lên 2 mạch vòng nã. Nếu không tìm được cách thích nghi với stress, những mạch vòng não này sẽ bị tắc và căng thẳng, khiến chúng ta không thể suy nghĩ thông suốt hay làm việc hiệu quả.
Dưới đây là 6 kiểu sinh học mà BS. Williams cùng các cộng sự đã tìm hiểu. Hiểu rõ những kiểu sinh học này là cách duy nhất để chúng ta thấu hiểu não bộ và tìm được cách để xử lý stress.
1. Nghiền ngẫm
– Liên quan tới mạch vòng mặc định của não bộ.
– Có xu hướng liên tục lo lắng và suy nghĩ tiêu cực xuất phát từ nội tâm.
– Liên tục tự nói với bản thân những điều tiêu cực, gây căng thẳng và làm gián đoạn các chức năng xã hội và công việc.
– Có mối quan tâm lớn về sức khỏe. Những người thuộc kiểu này thường biến các mối quan tâm chung về sức khỏe được thảo luận ngoài cộng đồng thành trải nghiệm và ký ức của chính mình. Điều này khiến họ càng thêm lo lắng và dễ bị tổn thương.
Cách xử lý: Hạn chế xem tin tức hay các thông tin tiêu cực không rõ ngữ cảnh. Tập trung vào một nguồn tin chính thống duy nhất. Cho phép mình lo lắng trong một khoảng thời gian nhất định. Không để lo lắng ảnh hưởng tới các hoạt động có lợi cho sức khỏe tinh thần như ngủ, trò chuyện với bạn bè và tập thể dục.
2. Đối phó với các mối đe dọa
– Liên quan tới các mạch vòng ảnh hưởng tiêu cực của não bộ, khi được kích hoạt bởi các mối đe dọa (dù là có thật hay tưởng tượng) trong cuộc sống.
– Cực kỳ nhạy bén với các mối đe dọa.
– Kích hoạt các phản ứng tự động đẩy cơ thể và não bộ vào “trạng thái cảnh giác” – thứ rất khó tắt đi.
– Các bệnh liên quan tới sự gia tăng hoạt động của mạng lưới mối đe dọa trong não như trầm cảm lo âu hay PTSD có thể trầm trọng thêm bởi các tác động tiêu cực từ Covid-19.
Cách xử lý: Tránh xa các nguồn kích thích như truyền thông, bạn bè và người thân đang hoảng loạn. Chủ động thảo luận về tác động của dịch bệnh với đồng nghiệp. Tập trung vào các hoạt động thường ngày để tạo sự ổn định và kiểm soát.
3. Tê liệt cảm xúc/Không cảm nhận được niềm vui
– Liên quan tới mạch vòng ảnh hưởng tích cực của não bộ, hay còn gọi là mạch vòng “phần thưởng”.
– Đôi lúc cảm thấy không thoải mái khi thực hiện những hoạt động đã từng đem lại niềm vui và mục đích cho bạn.
– Mất nhiều công sức để trả lời các tương tác tích cực và cảm thấy mình đang làm mọi thứ như một cái máy.
– Theo các nhà nghiên cứu, con người cần rất nhiều tương tác và phản hồi lẫn nhau để não bộ phát triển một cách tích cực. Chính vì thế, nhiều người sẽ rơi vào tình trạng tương tự “hội chứng không niềm vui” trong mùa dịch Covid-19 này. Họ bị cô lập về thể chất (do ở nhà tránh dịch lâu ngày), thiếu các kênh phản hồi (chỉ có thể hình ảnh và âm thanh qua điện thoại), thiếu các tương tác trực tiếp như chạm, ngửi và cử chỉ cơ thể.
– Kiểu sinh học này sẽ làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu, tăng nguy cơ tự tử. Ngoài ra, “hội chứng không niềm vui” cũng là đặc điểm của các căn bệnh khác về não, như Parkinson hoặc rối loạn tâm thần.
Cách xử lý: Sử dụng các nguồn kích thích giúp khu vực “phần thưởng” của não bộ hoạt động, chẳng hạn như chơi nhạc, xem các bức ảnh tích cực, ngửi mùi dễ chịu từ ngôi nhà, tìm cách để lấy lại niềm vui thay vì tỏ ra lo lắng
4. Tránh lo lắng
– Liên quan tới mạch vòng tính trồi của não.
– Những tình huống gây lo lắng có thể khiến bạn cảm thấy đau bụng, đổ mồ hôi tay hoặc tim đập nhanh. Khi những triệu chứng này xuất hiện, bạn sẽ cố gắng tránh xa những tình huống gây stress.
– Cảm thấy cần phải tách bản thân ra khỏi các nguồn kích thích stress và định hướng lại sự chú ý.
– Có thể ảnh hưởng tới sự hài lòng với cuộc sống.
Cách xử lý: Nên tăng cường giao tiếp, kết nối với người khác.
5. Lơ đễnh
– Liên quan tới mạch vòng chú ý của não bộ.
– Gặp khó khăn trong việc tập trung và và duy trì sự tập trung.
– Cảm thấy kiệt sức khi phải cố gắng buộc mình tập trung.
– Khó hoàn thành công việc tại nhà và cơ quan.
Cách xử lý: Chia nhỏ công việc ra để hoàn thành từng cái một. Xác định đâu là nhiệm vụ muốn làm nhất trong khoảng thời gian tiếp theo hoặc trong ngày. Viết nó ra một tờ giấy. Chỉ chuyển sang nhiệm vụ khác khi nhiệm vụ trước đó đã hoàn thành.
6. “Sương mù não”
– Liên quan tới mạch vòng kiểm soát nhận thức của não bộ.
– Cảm thấy não bộ mơ hồ, lơ đễnh thay vì sắc bén.
– Gặp khó khăn trong tư duy hành động vốn phụ thuộc vào việc đưa ra quyết định hoặc ức chế các suy nghĩ và phản ứng không mong muốn.
– Khó khăn trong việc lập kế hoạch
Khi gặp những thay đổi đột ngột trong gia đình hoặc ở nơi làm việc, kiểu người này thường rất khó thích nghi.
Cách xử lý: Cho phép não bộ nghỉ ngơi để bắt kịp với những thay đổi đang diễn ra liên tục. Đây là thời điểm mà não bộ đang phải hoạt động hết công suất để trở nên linh hoạt với tình hình mới của thế giới, do đó chuyện não bộ mệt mỏi là hoàn toàn dễ hiểu.
SƯU TẦM