NHÀ ĐẦU TƯ RALPH WANGER VÀ NHỮNG LỜI KHUYÊN
Ralph Wanger (sinh năm 1933) tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois nước Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông tuy nhiên ngày từ thuở còn đi học, Ralph Wanger đã bộc lộ tố chất chăm chỉ và ham học hơn người. Suốt những năm tháng phổ thông, ông luôn dành vị trí top đầu của lớp và bộc lộ tố chất với những môn học thiên về logic và tính toán.
Hoàn thành xong cấp 3, ông ứng tuyển và được nhận vào học tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Sau đó ông tiếp tục học lên và lấy bằng thạc sĩ tại ngôi trường này. 5 năm sau khi tốt nghiệp, ông lựa chọn công việc đầu tiên là làm chuyên viên phân tích chứng khoán và quản lí danh mục cho Harris Associates – một công ty quỹ đầu tư có trụ sở tại Chicago, quản lý tài sản trị giá 118 tỷ đô la thời điểm bấy giờ.
Vào năm 1977, ông đảm nhận vai trò quản lý danh mục đầu tư và chủ tịch Quỹ Acorn mới thành lập, ông giữ vị trí đó cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2003.
Trong suốt quá trình đầu tư, ông cũng chia sẻ chủ yếu đầu tư vào các công ty có vốn hoá vừa và vừa nhỏ. Lựa chọn hàng đầu mà ông hướng tới là cổ phiếu của những công ty nhỏ chưa phát huy hết tiềm lực kinh tế, chờ đến khi những công ty này không ngừng phát triển đầy đủ thì bán cổ phiếu.
Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường bán tháo cổ phiếu, khi công ty chưa thực sự phát triển đến mức cao nhất, đồng thời mua vào cổ phiếu của các công ty đã phát triển ổn định. Chính vì đi ngược lẽ đó, mà trong suốt giai đoạn điều hành, quỹ của ông luôn đạt tỉ suất sinh lời ổn định xấp xỉ 20% mỗi năm, vượt hơn mức tăng trung bình của S&P500. Bên cạnh đó lợi nhuận bình quân hàng năm cũng đạt mức hơn 16.7% trong 26 năm kể từ năm 1977.
Trong một chia sẻ với Forbes, khi được hỏi về những trải nghiệm khó khăn khi thị trường đổ vỡ, ông chia sẻ rằng tất cả nhà đầu tư đều từng chí ít một vài lần phải đối diện với sự thua lỗ, không cách nào ta có thể tránh khỏi được điều này đơn giản chẳng có hệ thống giao dịch nào có thể thắng mãi được “ngài thị trường”. Và chẳng có gì để mỗi nhà đầu tư phải xấu hổ hay có cảm giác sợ hãi khi thua bởi vì cách ta đối mặt với thua lỗ sẽ quyết định bạn sẽ thành công hay sẽ tiếp tục thất bại trên con đường về sau.
Đã bước chân vào thị trường chứng khoán, bản thân mỗi chúng ta bắt buộc phải chấp nhận và đối mặt với những nghịch cảnh, và không phải ai cũng gượng dậy được sau những cơn bão tố này.
Cuối cùng chỉ những nhà đầu tư trang bị đủ kĩ năng và tinh thần mới là những người còn sống sót lại vượt qua mọi nghịch cảnh để chạm tay tới đỉnh vinh quang trên thị trường chứng khoán. Dưới đây là 3 nguyên tắc sống còn Wanger chia sẻ từ chính kinh nghiệm bản thân để vượt qua các thời khắc nghịch cảnh trong đầu tư.
Thứ nhất: Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân, hãy xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc lúc gặp khó khăn bởi họ cảm thấy chán nản khi phải gánh chịu những điều vô lý và bất công. Đôi khi những nhà đầu tư này nghĩ rằng mình không có đủ năng lực và xui xẻo nên không còn khát khao đạt được mục tiêu ban đầu đề ra khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán.
Nên nhớ bất cứ nhà đầu tư thiên tài đầu tư nào cũng từng chí ít một lần đối diện với những khó khăn trong đầu tư nhưng điều quan trọng nhất mà họ đúc kết được là “Biến cố trên thị trường dạy ta biết quản lý rủi ro tốt hơn, lựa chọn doanh nghiệp một cách bài bản hơn. Đó là những bài học sinh động mà không một trường đại học hay sách vở nào dạy được. Nếu không thất bại nặng nề như thế, ta sẽ không bao giờ nghiệm ra được lối tư duy cũng như kỹ năng để trở thành một nhà đầu tư chứng khoán thành công”.
Thứ hai: Bình tĩnh suy nghĩ để ra quyết định đúng đắn lúc nào cần bán ra cổ phiếu để bảo toàn và gia tăng lợi nhuận
Đa phần mọi quyết định mua có vẻ luôn đơn giản và dễ chịu hơn quyết định bán ra cổ phiếu. Nhiều người tự động bán những cổ phiếu tăng giá do lo ngại giá sẽ giảm trở lại và giữ lại những cổ phiếu thất bại với hy vọng giá sẽ tăng. Chiến lược này tỏ ra thất bại vì đều lệ thuộc vào giá cổ phiếu như một tín hiệu cơ bản của công ty.
Những lời nhắc nhở cụ thể như ” Bán trước khi tỷ lệ lãi suất tăng” hay ” Bán trước khi chiến tranh, khi thị trường đạt đỉnh…” đôi lúc sẽ chỉ giúp ích khi nào chúng ta biết chính xác thời điểm sự việc xảy ra. Hoặc rõ ràng một sự kiện nào đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp như giá dầu giảm sẽ tác động đến các công ty dịch vụ dầu trong khi hoàn toàn không ảnh hưởng đến các công ty ngành bán lẻ hoặc sản xuất. Việc bán và chuyển hoàn toàn ra tiền mặt cũng đồng nghĩa với việc ra khỏi thị trường.
Chính vì vậy, để có được một quyết định mang tính tương đối khi thực hiện bán cổ phiếu, ông đưa ra lời khuyên với mọi nhà đầu tư nên dành thời gian để đánh giá và thực hiện định giá lại doanh nghiệp mà mình đang nắm giữ.
Có thể xem xét theo một cột mốc thời gian nào đó xác định (theo tháng, theo quý…), hoặc đôi lúc hãy tập trung nhìn vào một số yếu tố rõ rệt như nhìn BCTC để thấy nợ của công ty tăng lên nhanh chóng khiến giá trị tài sản giảm sút, hoặc công ty tiếp tục phát hành thêm vốn trong khi lợi nhuận không thay đổi và giá trị tài sản chưa khai thác được hay đơn giản chỉ như ta cảm nhận được rằng chỉ số P/E của doanh nghiệp đang tăng nóng quá mức tương ứng với triển vọng thu nhập…
Thứ ba: Ghi nhớ rằng mọi biến cố dù tồi tệ đến đâu rồi cũng sẽ chấm dứt
Theo quy luật, sau thời hậu khủng hoảng, một đợt bùng nổ mới lại đến. Trong cuộc sống cũng thế, nỗi đau của những đổ vỡ rồi sẽ nhạt phai, sau đó là cơ hội cho những điều mới tốt đẹp hơn. Bước tiếp theo cần làm là đặt ra mục tiêu thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Hãy đưa ra những đích đến mới sau những đau thương đã trải qua.
Cùng với đó là một kế hoạch giúp nhà đầu tư vượt qua nghịch cảnh mà thị trường vừa dành tặng chính ta. Hãy chia sẻ những khó khăn đã trải qua, và tham vấn ý kiến từ những bậc đi trước, có thể họ đã từng trải qua như bạn, và biết đâu kinh nghiệm đi trước của họ sẽ là liều thuốc bổ cho bạn.
Qua những biến cố, khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, đó thường là dấu hiệu cho thấy gió sắp đổi chiều. Thực tế, vào thời khắc mặt trời sắp xuất hiện là lúc màn đêm trở nên đen tối nhất. Khi mọi nhà đầu tư bán sạch cổ phiếu trong cơn khủng hoảng thì một kỳ tích nào đó sẽ xuất hiện và đẩy giá lên cao.
Trong một bộ phim, trước cái kết có hậu, người anh hùng thường phải trải qua một giai đoạn vô vọng. Đó chính là cuộc sống. Vấn đề là rất nhiều người từ bỏ ở ngay điểm đen tối nhất nên không bao giờ có cơ hội ngắm nhìn bình minh.
SƯU TẦM