CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

NHỮNG NỘI DUNG CẦN NHỚ RÚT RA TỪ SÁCH “ĐẮC NHÂN TÂM”


Kể từ khi xuất bản năm 1937, cuốn Đắc nhân tâm của tác giả Dale Carnegie đã bán được 30 triệu bản trên toàn thế giới. Cuốn sách này từng được tỷ phú giàu thứ 4 thế giới, Warren Buffett ca ngợi là đã giúp ông thay đổi cuộc đời.

Khi Buffett 15 tuổi, ông đã tìm thấy cuốn sách này trên giá sách của ông nội. Hồi đó, vị tỷ phú gặp khá nhiều khó khăn trong việc hòa nhập ở trường, vì vậy, tiêu đề cuốn sách (Tiếng Anh: How to Win Friends and Influence People) đã thu hút sự chú ý của ông.

Hiểu biết mà Carnegie đưa vào cuốn sách là thành quả được mài giũa trong những năm ông còn là một nhân viên bán hàng trẻ, và sau đó được củng cố thêm tại các lớp học giao tiếp trước đám đông do ông tổ chức.

Đối với Buffett, ông coi cuốn Đắc nhân tâm là phương tiện giúp ông rũ bỏ sự lúng túng trong các mối quan hệ xã hội. Sau này, khi bắt đầu sự nghiệp, CEO của Berkshire Hathaway đã tham gia một khóa học của Carnegie để cải thiện khả năng phát biểu ở chỗ đông người.

Dù có bằng Thạc sỹ tại Đại học Columbia nhưng vị tỷ phú chỉ treo duy nhất bằng tốt nghiệp khóa học của Carnegie trong phòng làm việc của mình. Trong bộ phim tài liệu “Becoming Warren Buffett” của HBO, vị tỷ phú nói rằng lời dạy của Carnegie là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp thay đổi cuộc đời ông theo hướng tích cực.

Tuy cuốn Đắc nhân tâm có thể chứa ngôn ngữ hoặc tài liệu tham khảo đã lỗi thời nhưng rất nhiều bài học trong đó vẫn được mọi người áp dụng cho đến ngày nay. Dưới đây là những bài học để trở thành một người có khả năng và có ảnh hưởng chưa bao giờ lỗi thời của cuốn sách này, theo tổng hợp của CNBC:

1. Tránh chỉ trích, lên án hoặc phàn nàn

Carnegie viết: “Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng chỉ trích, lên án và phàn nàn – và hầu hết những kẻ ngốc đều làm như vậy. Để thấu hiểu và tha thứ, bạn cần có sự tự chủ nhất định”.

Carnegie giải thích rằng những người ở vị trí lãnh đạo nên thừa nhận khi cấp dưới không đáp ứng được kỳ vọng hoặc khi đối thủ cạnh tranh hoạt động tốt hơn, việc của họ là thừa nhận, tránh hậm hực và tìm cách để cải thiện tình hình.

2. Khen ngợi thành tích của người khác

Carnegie viết: “Khả năng và thành tích sẽ héo mòn dưới sự chỉ trích và nở hoa nếu được khen ngợi. Hãy hào phóng với lời khen, nhưng hãy khen một cách chân thành. Tất cả chúng ta đều muốn được đánh giá cao và sẽ làm mọi việc để được công nhận. Tuy nhiên, lời khen giả tạo sẽ phản tác dụng bởi chẳng ai muốn nghe lời nịnh hót cả“.

3. Hãy đồng cảm

Theo Carnegie, cách duy nhất trên thế giới để gây ảnh hưởng đến người khác là nói về những gì họ muốn và chỉ cho họ cách có được nó.

Ông nhắc đến câu trích dẫn của người sáng lập Ford Motor, Henry Ford: “Nếu có bí quyết về sự thành công thì đó là khả năng đặt mình vào địa vị của người khác và xem xét mọi việc vừa theo quan điểm của họ, vừa theo quan điểm của mình“.

4. Biết giá trị của sự duyên dáng

Ông trùm thép Gilded Charles Schwab từng tuyên bố nụ cười của ông trị giá 1 triệu USD – theo nghĩa đen. Carnegie viết: “Tính cách, sự duyên dáng và khả năng khiến mọi người yêu quý gần như là yếu tố chính tạo nên thành công phi thường của ông ấy. Và một trong những yếu tố thú vị nhất trong tính cách của Schwab là nụ cười quyến rũ“.

5. Khuyến khích mọi người nói về bản thân

Carnegie cho biết hầu hết mọi người có xu hướng thả lỏng ngay cả trong những tình huống căng thẳng nếu họ bắt đầu nói về những gì họ biết rõ. Cụ thể là chính bản thân họ. Chăm chú lắng nghe “là một trong những lời khen có giá trị nhất của chúng ta”.

6. Biết khi nào nên đề xuất thay vì ra lệnh

Carnegie đã học được từ nhà công nghiệp Owen D. Young rằng thay vì ra lệnh cho cấp dưới, các nhà quản lý nên dẫn dắt họ theo kiểu những lời đề nghị hay câu hỏi (Bạn có nghĩ điều này sẽ hiệu quả không?). Carnegie viết: “Ông ấy luôn cho mọi người cơ hội để tự làm và để họ học hỏi từ những sai lầm mắc phải”.

7. Tự nhận lỗi

Nhà lãnh đạo giỏi nhất không bao giờ ra vẻ như họ hoàn hảo không tỳ vết. Tác giả viết: “Thừa nhận sai lầm của bản thân, ngay cả khi chưa kịp sửa chữa, có thể giúp họ thay đổi hành vi của mình“.

8. Tôn trọng người khác

Dù giáng chức hay sa thải nhân viên, các nhà lãnh đạo cũng nên tôn trọng những người này. Thậm chí việc duy trì mối quan hệ tốt với nhân viên cũ cũng có thể đem lại cho họ lợi ích không ngờ.

9. Đừng tìm cách chiến thắng trong một cuộc tranh cãi

Ngay cả khi thắng thế trong một cuộc cãi cọ, bạn vẫn không thực sự đạt được bất cứ thứ gì. Theo Carnegie, nếu muốn thuyết phục ai đó, ngay từ đầu hãy tránh việc tranh luận không cần thiết.

10. Hãy thân thiện, cho dù người khác có thể tức giận như thế nào

Khi gặp tình huống căng thẳng, tức giận là bản chất của con người. Tốt hơn hết, hãy duy trì sự điềm tĩnh đồng thời bày tỏ sự đánh giá cao về quan điểm của đối phương. Họ sẽ tỏ ra bối rối khi thấy bạn bình tĩnh và có xu hướng dịu lại.

11. Đạt được điểm chung càng sớm càng tốt

Carnegie viết: “Bắt đầu bằng cách nhấn mạnh – và tiếp tục nhấn mạnh – những điều mà các bạn cùng đồng tình. Hãy nhấn mạnh, nếu có thể, rằng cả hai bạn đều đang phấn đấu cho cùng một mục tiêu và rằng sự khác biệt duy nhất là những phương pháp chứ không phải mục tiêu đó”.

12. Khiến người khác nghĩ rằng kết luận của bạn là của họ

Không ai có thể bắt người khác tin vào một điều gì đó và đây là lý do tại sao những người giỏi thuyết phục biết tận dụng sức mạnh của lời đề nghị hơn là ra lệnh. Khi họ tin vào điều mà bạn muốn họ tin, bạn đã thành công rồi đấy!

SƯU TẦM

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com