CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

BẠN ĐÃ BIẾT VỀ CÁC GÓC KHUẤT TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH CHƯA?


Đọc báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn là công việc chủ yếu của một nhà đầu tư chứng khoán, thông qua nội dung báo cáo tài chính để tìm kiếm, xác định các công ty kinh doanh tốt, có tài tình hình tài chính ổn định, dòng tiền vào ra hợp lý,… để ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, nếu ai đó chú tâm quá mức đến các số liệu chi tiết nêu trong báo cáo tài chính mà quên đi những yếu tố khác trong quá trình quyết định đầu tư thì xác suất thất bại của vụ đầu tư đó là rất cao. Bởi vì, trong báo cáo tài chính vẫn có thể tồn tại nhiều vấn đề ẩn khuất sau đó do nhiều lý do khác nhau. Hiểu biết được những góc khuất này là rất cần thiết giúp các nhà đầu tư tránh được những lỗi lầm không đáng có. Sau đây xin giới thiệu bài viết của Trần Ngọc BáuCEO FinaHoldings đã chia sẻ, để mọi người cùng đọc và suy ngẫm:

Báo cáo tài chính là công cụ tốt nhất để nhà đầu tư và nhà quản trị đưa ra các quyết định kinh doanh của mình. Tuy nhiên trong khi thế giới không ngừng thay đổi hàng trăm năm qua thì báo cáo tài chính và chuẩn mực lại quá chậm chạm trong việc thay đổi để thích nghi với môi trường mới. Có những ý kiến còn cho rằng báo cáo tài chính dường như đang ngày càng mất tác dụng.

Vậy đâu là những lý do đã làm bộ tài liệu quan trọng bậc nhất này đứng trước nguy cơ bị “thất sủng” trong mắt các nhà đầu tư. Với kinh nghiệm đầu tư 10 năm tại Việt Nam cùng với khoảng thời gian làm tư vấn các doanh nghiệp niêm yết, tôi cho rằng có 5 “góc khuất” khá lớn mà BCTC hiện nay vẫn gặp phải, dĩ nhiên là sẽ có nhiều vấn đề nữa cần xử lý, nhưng trong phạm vi bài viết tôi ưu tiên nhất 5 vấn đề sau:

1. Báo cáo tài chính không thể hiện hết giá trị của các tài sản vô hình

Còn nhớ năm 2012, truyền thông đưa tin Kinh Đô ghi nhận thương hiệu của mình vào tài vô hình của công ty, việc làm này sau đó bị kiểm toán lưu lý là trái với chuẩn mực kế toán tại Việt Nam. Kiểm toán cho rằng: “Kinh Đô đã cố tình ghi nhận giá trị thương hiệu vào tài sản với mục đích làm tăng tổng tài sản, tăng vốn chủ sở hữu”. Bạn có cho rằng thương hiệu Kinh Đô  chỉ “đáng giá 0 đồng” trên tài sản?

Tương tự giá trị thương hiệu, BCTC sẽ không thể hiện hoàng loạt những tài sản vô hình đang thực sự đem lại sức mạnh cho doanh nghiệp, chẳng hạn như: giá trị thương hiệu tệp khách hàng, mạng lưới quan hệ, năng lực ban lãnh đạo, trình độ công nghệ, văn hóa doanh nghiệp, ……. những tài sản này là thứ mà mọi doanh nghiệp đều thèm muốn và trong nhiều trường hợp còn quan trọng hơn rất nhiều so với những tài sản đang kê khai trên BCTC.

Chẳng hạn như trong trường hợp của Vinamilk (VNM), công ty sữa là biểu tượng cho sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam. Sức mạnh của Vinamilk nằm ở chính những tài sản vô hình như thương hiệu, năng lực ban lãnh đạo, hệ thống quản lý và sâu trong đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên BCTC của VNM không phản ánh những tài sản này và chắc chắn nếu chỉ nhìn vào BCTC của VNM để ra quyết định thì nhà đầu tư sẽ nhanh chóng mắc sai lầm.

2. Sự sai lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường

Vấn đề thứ hai nằm ở chính việc áp dụng “nguyên Tắc giá gốc” khi xây dựng số liệu trên báo cáo tài chính. Theo nguyên tắc này, giá trị của tài sản không hề liên hệ đến hiệu quả sử dụng tài sản hay giá trị thị trường của tài sản qua thời gian, mà chỉ là toàn bộ số tiền doanh nghiệp đã chi ra để sở hữu tài sản đó. Nguyên tắc này chỉ mất đi khi doanh nghiệp chuyển giao quyền sở hữu hoặc đánh giá lại tài sản với mục đích góp vốn kinh doanh.

Để dễ hiểu hơn bạn có thể hình dung về một công ty A sở hữu mảnh đất 1000m2 mặt tiền đường Nguyễn Huệ. Khi nhà đầu tư đọc BCTC của công ty A này, giá trị mảnh đất ghi trên giấy tờ là 50 tỷ, hay giá trị ghi sổ của mảnh đất này là 50 triệu cho mỗi m2. Bạn có nghĩ rằng ở đường Nguyễn Huệ, con đường sôi động bậc nhất Sài Gòn lại có mặt tiền nào giá 50 triệu/m2. Nó quá phi thực tế, nhưng BCTC là thế, phải làm theo chuẩn mực, đó là còn chưa kể đến nhiều doanh nghiệp cố tình ẩn đi những thông tin này để cổ đông không thể tra ra nổi.

3. Việc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các ước tính kế toán cũng là điểm chết người

Ước tính kế toán bạn có thể đơn gián là kế toán viên sẽ lấy giá trị gần đúng của một chỉ tiêu trên BCTC, giá trị này được ước tính “một cách chủ quan” trong trường hợp thực tế đã phát sịnh nhưng chưa có số liệu chính xác. Những khoản mục thường được ước tính là các khoản dự phòng, các khoản trích khấu hao tài sản cố định, chi phí trả trước, giá trị sản phẩm dở dang, doanh thu ghi nhận trước, doanh thu theo đồng xây dựng dở dang, lợi thế thương mại,…. Điều đáng nói là một số khoản ước tính này sẽ làm thay đổi toàn bộ cục diện tình hình kinh doanh của công ty. Chính vì vậy, tính tin cậy của các ước tính kế toán là một vấn đề tương đối nan giải.

Ví dụ điển hình cho tình huống này là trường hợp CTCP Đầu tư Apax Holdings (HOSE: IBC) của Shark Thủy, một người không xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Năm 2017 IBC tăng vốn gấp đôi và đồng thời ghi nhận tới 630 tỷ đồng lợi thế thương mại, chiếm tới 1/3 tổng tài sản của công ty. Được biết, lợi thế thương mại phát sinh của IBC chủ yếu là do công ty mua chi phối anh ngữ Apax English với giá cao. Điều đáng nói là 630 tỷ đồng chênh lệch do “ước tính” này sẽ được phân bổ trong 10 năm vào chi phí của IBC, tức mỗi năm cổ đông của IBC sẽ phải gánh 63 tỷ đồng. Vậy lý do gì để IBC ước tính giá trị của  anh ngữ Apax ở mức cao hư vậy so với giá phí hợp nhất?

4. Bỏ qua hàng hoạt thông tin quan trọng với nhà đầu tư

Công ty ký hợp đồng với hàng loạt khách hàng mới, công ty triển khai một loạt sản phẩm mới hay đôi khi thị trường mới, công ty thay ban lãnh đạo mới và ngay cả việc công ty chuyển sàn,…….. Tất cả những thông tin vô cùng quan trọng này bạn sẽ không thể tìm được ở những con số trên báo cáo tài chính.

Vì sao ư? Vì báo cáo tài chính chỉ cho bạn những con số, kế đến là nguyên tắc để hình thành lên những con số đó và cuối cùng là một loạt con số khác để thuyết minh cho những con số trước đó. Nhìn chung là toàn số với số, chính vì thế những thông tin “vô hình” dù có giá trị đến mấy cũng không thể nào xuất hiện trên báo cáo tài chính.

Khi đầu tư vào một doanh nghiệp là chúng ta đang đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp đó. Điều đáng nói là tương lai của doanh nghiệp lại phụ thuộc vào những thông tin bên trên.

5. Thực tế đã chứng minh kể cả đọc BCTC đã được kiểm toán vẫn chết như thường

Đến ngày hôm nay vụ scandal sai lệch số liệu về hàng tồn kho và phải thu tại báo cáo tài chính của Gỗ Trường Thành (TTF) vẫn chưa hết dư chấn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá cổ phiếu đã giảm từ quanh 45,000 đồng xuống chỉ còn 3,000 đồng, gây không ít mất mát cho những nhà đầu tư đã tin tưởng vào ban lãnh đạo, vào BCTC đã được kiểm toán của TTF.

Như vậy bản thân báo cáo tài chính ngoài việc mắc những “vấn đề” mang tính cố hữu của mình, nó còn mang theo những vấn đề về mang tính “ngoại tác” từ phía con người. Hiện nay chúng ta chưa có số liệu để thống kế được rằng trong hai vấn đề trên, vấn đề nào là nguyên nhân của phần lớn những sai sót và gian lận trong báo cáo tài chính và có lẽ chúng ta cũng sẽ không bao giờ có. Tuy nhiên chúng ta hiểu rằng, báo cáo tài chính không bao giờ hoàn hảo và đây cũng không thể là kim chỉ nam duy nhất cho những quyết định đầu tư thông minh.

Theo Trần Ngọc Báu – CEO FinaHoldings

 

 

 

 

 

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com