CÙNG SUY NGẪM VỀ NHỮNG ĐIỀU NGHỊCH LÝ VÀ ĐANG PHỔ BIẾN
Cuộc sống ngày càng phát triển, cùng với đó là những điều tưởng như là nghịch lý nhưng ngày càng trở nên phổ biến. Có thể khi mới nghe qua, chúng ta cho rằng những điều này thật nực cười, tại sao lại có thể xảy ra điều mâu thuẫn như thế? Nhưng thực tế lại chứng minh rằng, những điều tưởng như vô lý đó lại đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh chúng ta.
1. Người người ham của cải vật chất mà quên đi sức khỏe
Tất cả chúng ta được sinh ra trên thế giới này trần trụi và nguyên bản như nhau. Của cải vật chất là những vật ngoài thân mà khi sinh ra không ai có, khi chết đi không ai có thể mang theo. Tài sản thực sự của mỗi người chính là sức khỏe và sinh mệnh – những điều quý giá mà không tiền tài, danh lợi nào có thể đánh đổi được.
Nhiều người trẻ hiện nay lao đầu vào kiếm tiền, hưởng thụ cuộc sống bất chấp sức khỏe, thời gian. Họ tàn phá cơ thể bằng những thói quen phản sinh học, tận dụng mọi chút sức lực để kiếm tiền. Và rồi khi về già, họ lại nằm trên chiếc giường bệnh chịu đau đớn bởi những thói quen trong quá khứ và chi rất rất nhiều tiền nhưng cũng khó có được sự khỏe mạnh.
Steve Jobs từng đau đớn thừa nhận rằng: Chiếc giường đắt nhất thế giới là giường bệnh. Bởi thế đừng vì mải mê kiếm tiền, mưu cầu danh lợi mà quên mất đi sức khỏe, sinh mệnh của chính mình. Trên thế giới này, chiếc giường đắt giá nhất chính là giường bệnh. Khi trai trẻ, bạn làm việc bán mạng để kiếm tiền, đến khi đổ bệnh, dù cho có bao nhiêu tiền cũng không ai có thể nằm thay bạn trên giường bệnh.
2. Khinh già, trọng trẻ là gia đình xấu
Những gia đình bỏ mặc người già không chăm sóc, quan tâm, phụng dưỡng mà đem tất cả tình yêu thương đặt lên trẻ nhỏ sẽ không gặp may mắn. Vì sao vậy?
Người xưa ví mối quan hệ gia đình như một cái cây lớn. Ông bà là gốc rễ, cha mẹ là thân cây, con cái là quả. Muốn có quả ngọt thì thứ cần chăm sóc, bồi đắp dinh dưỡng chính là gốc rễ rồi.
Thế nhưng ngày này, cuộc sống hiện đại xoay vần, nhiều người không nhận ra điều đó. Hầu hết các bậc cha mẹ dồn quá nhiều tình yêu thương cho con cái, chăm bón tất cả “dinh dưỡng” lên trái cây mà quên mất việc tưới tắm cho gốc rễ – chính là cha mẹ già. Kết quả là những trái cây non không thể hấp thu hết chất dinh dưỡng, dần trở nên thối rữa, không thể phát triển đến lúc thành quả ngọt.
Dù trong thời đại nào, chữ hiếu cũng cần được xem trọng. Sự gương mẫu của cha mẹ là hành động tốt nhất để giáo dục con cái. Trong gia đình, cha mẹ cung kính, hiếu thuận với ông bà thì không cần dạy bảo nhiều, con trẻ cũng sẽ tự khắc học theo. Hành động làm gương như vậy có sức mạnh hơn cả ngàn lời nói.
Ngược lại, nếu người lớn thiếu tôn kính cha mẹ, trẻ con cũng sẽ hành động tương tự trong tương lai. Và rồi cuộc sống khi về già của bạn cũng sẽ giống như cha mẹ của bạn bây giờ.
3. Người hiền tài sống ẩn danh, kẻ thiếu đức hạnh lại được tôn sùng
Nhiều người tài đức không coi trọng danh lợi tiền tài, khi thấy bản thân không còn đất dùng thì tự nhiên tìm về nơi yên tĩnh, chọn cách sống ẩn cư yên bình. Ngược lại, người bất tài dùng mọi thủ đoạn để chiếm lấy quyền lực và trèo lên vị trí cao.
Hiện tượng này nhìn trước mắt thì tưởng vô hại nhưng thực sự ẩn chứa nguy cơ vô cùng. Những kẻ không đủ đức hạnh, dù có tài cán đến đâu cũng chỉ là một mối họa cho xã hội, nhất là khi họ lại trở thành người có ảnh hưởng, tác động đến đám đông. Họ dùng mánh khóe để tạo dựng danh lợi, dùng sức ảnh hưởng của mình đối với đám đông để trục lợi mà bất chấp hậu họa. Đó nhất định là cái họa khôn lường.
Người Trung Quốc cổ đại nói: “Nơi người phúc đức ở sẽ thành phúc địa, đất lành người tốt ở”. Điều không may mắn thực sự không phải phong thủy tốt xấu mà nằm ở đạo đức con người.
Những miền đất có thể bị coi là phong thủy xấu, nhưng khi có người phúc đức sinh sống, vun đắp thì phong thủy liền thay đổi, trở thành miền đất tốt lành. Ngược lại, nếu người xấu sinh sống, chỉ biết trục lợi cá nhân thì miền đất tốt đến mấy cũng chuyển thành xấu. Vì vậy, mấu chốt không nằm ở phong thủy ban đầu tốt hay xấu mà chính là quá trình tu thân tích đức của những người sinh sống ở đó được bao nhiêu.
SƯU TẦM