NHỮNG KIẾN THỨC BỔ ÍCH RÚT RA TỪ QUYỂN SÁCH “ NHÀ ĐẦU TƯ THÔNG MINH”
Nhiều người tự cho mình thực hiện đầu tư theo phương pháp Đầu tư giá trị nhưng thực sự họ chưa hiểu hoặc có đọc qua có hiểu một phần nhưng chưa đầy đủ mà đã thực hiện mua bán nên kết quả không đạt được như mong muốn. Sau đây là các nguyên tắc cơ bản khi thực hiện theo phương pháp Đầu tư giá trị. Bạn cần đọc kỹ, suy nghĩ cân nhắc để có thể tự tìm ra phương pháp xác định giá trị riêng phù hợp với bản thân mình. Rất nhiều người lầm tưởng rằng đầu tư giá trị có nghĩa là tính toán dòng tiền tương lai rồi chiết khấu về hiện tại để xác định. Không phải vậy. Đó chỉ là một trong những phương pháp thường được áp dụng thôi.
Để học về đầu tư (đầu tư bất kỳ thứ gì, không chỉ chứng khoán) thì không gì tốt hơn bằng hãy đọc cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh” (The Intelligent Investor) của Benjamin Graham. Có thể phần lớn người ở Việt Nam chưa biết về cuốn sách này, nhưng có thể so sánh như sau: cuốn sách này có thể xem như là Kinh Thánh trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán. Nó dựng lên nền tảng để từ đó bao nhiêu thế hệ nhà đầu tư và học giả phát triển thành các lý thuyết và phương pháp đầu tư hiện đại mà thế giới hiện đang áp dụng.
Cuốn sách xuất bản năm 1949. Có rất nhiều câu chuyện lý thú xung quanh cuốn sách và tác giả của nó. Chẳng hạn, rất nhiều bạn trẻ thời đó sau khi đọc cuốn sách đã tìm đến lớp học về đầu tư của tác giả Benjamin Graham. Nhờ lớp học đó, hầu hết những học trò của Graham sau này đều trở thành triệu phú và tỉ phú nhờ kinh doanh và đầu tư, trong đó nổi bất nhất chính là Warren Buffett (người giàu thứ hai thế giới hiện nay, chỉ sau Bill Gates). Buffett là học trò duy nhất nhận được điểm A+ trong suốt sự nghiệp dạy học của Graham; và cũng giống như một số học trò khác, Buffet xem Graham là người cha thứ hai của mình. Sau này họ thậm chí còn lấy tên của thầy Graham để đặt tên cho con trai của mình để ghi nhận sự ảnh hưởng lớn lao của Graham đối với họ.
Bản thân tôi khi đọc xong cuốn sách (mất gần 1 năm trời) cũng cảm nhận điều tương tự. Nó hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của tôi về đầu tư, kinh doanh, và những mặt khác trong cuộc sống. Và tôi nghĩ nó cũng có thể giúp bạn có điều tương tự như vậy.
Sau đây là góc nhìn của tôi về nội dung cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh”. Tôi rất ngạc nhiên rằng những nguyên lý đầu tư vô cùng quý giá của Ngài Graham nêu ra trong cuốn sách lại chưa được phổ biến ở Việt Nam. Rất nhiều người tham gia đầu tư chứng khoán ở Việt Nam hiện nay chưa hề biết các kiến thức cơ bản này. Đó là các nguyên tắc cơ bản sau:
Nguyên tắc 1: Hiểu và phân biệt thế nào là Thị giá và Giá trị
Theo Graham, khi đầu tư vào bất kỳ cái gì, bạn nên quan tâm đến hai và chỉ hai khái niệm:
– Thị giá (price): là số tiền mà bạn cần bỏ ra để mua.
– Giá trị (value): là thứ mà bạn sẽ nhận lại được trong tương lai.
Thị giá thì dễ hiểu quá phải không? Nhưng làm sao biết trước được giá trị? Chúng ta sẽ thử xét ví dụ sau: Một nữ sinh vừa tốt nghiệp Trung học đang cân nhắc xem có nên đi du học bậc Đại học ở nước ngoài hay không? Thời gian học là 4 năm, và tổng chi phí là 40.000 đô la, trả hết ngay từ ban đầu (do Lãnh sự quán yêu cầu số tiền 40 ngàn phải có sẵn ngay trong tài khoản ngân hàng). Hãy xem đây là một quyết định đầu tư, và chỉ xét đến khía cạnh kinh tế, liệu cô bé có nên đi học hay không?
Thị giá ở đây chính là số tiền 40 ngàn đô la phải bỏ ra.
Còn cách tính giá trị đơn giản nhất là xác định số tiền mà cô bé sẽ kiếm được sau khi tốt nghiệp. Sau 4 năm, cô bé sẽ về Việt Nam làm việc với mức lương khởi điểm là 400 đô la/tháng, nghĩa là 4,800 đô la/năm. Cô bé cũng tin rằng với năng lực của mình, mỗi năm cô sẽ được tăng lương trung bình 25%/năm (bản thân tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ mình có được mức tăng lương như vậy, nhưng không sao, phụ nữ thường hay mơ mộng mà). Nghĩa là, đến năm thứ hai, cô bé sẽ kiếm được 6,000 đô la; năm kế tiếp là 7,500 đô la. Nhưng cô bé chỉ muốn làm việc trong 6 năm thôi, sau đó cô bé sẽ lấy chồng và nghỉ việc! Vậy số tiền tổng cộng sau 6 năm làm việc là: 4,800 + 6,000 + 7,500 + 9,380 + 11,730 + 14,660 = 54,070(USD).
Bỏ ra 40 ngàn và thu được 54 ngàn, vậy đây là quyết định đầu tư đúng đắn? Không hẳn, ở đây cô bé cần lưu ý rằng giá của đồng tiền sẽ thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, nếu tôi có 100 đồng và quyết định bỏ vào ngân hàng với lãi suất 8%, thì sau 1 năm tôi sẽ có 108 đồng (100 đồng vốn + 8 đồng lãi suất). Hay nói cách khác, số tiền 108 đồng ở tương lai 1 năm sau sẽ chỉ tương đương với 100 đồng ở hiện tại thôi. Nếu có 2 lựa chọn: 1) nhận 100 đồng ngay bây giờ, hoặc 2) nhận 100 đồng sau 1 năm; thì tôi sẽ chọn ngay cách 1, vì có được 100 đồng trong tay tôi sẽ bỏ vào ngân hàng để 1 năm sau có được 108 đồng, thay vì chỉ có 100 đồng nếu chọn cách 2.
Vì vậy, 4,800 đô la ở 5 năm sau (4 năm học + 1 năm làm việc), tính theo lãi suất 8%/năm thì chỉ tương đương 3,267 đô la ở hiện tại, tương tự cho các năm sau đó. Để đánh giá khoản đầu tư một cách chính xác, ta cần phải quy đổi dòng tiền trong các năm ở tương lai về hiện tại, để so sánh với số tiền 40 ngàn bỏ ra ban đầu. Cô bé đã thực hiện bảng tính toán như sau:
Giá trị hiện tại (GTHT) của tổng số tiền giờ đây chỉ còn 29,150 đô la thôi. Rõ ràng nếu chỉ xét về khía cạnh kinh tế thì đây là một quyết định đầu tư quá tồi. Lời khuyên: cô bé nên đi tìm khóa học khác, hoặc thậm chí có thể xem xét việc lấy chồng ngay bây giờ.
Ở trên là một ví dụ hết sức đơn giản khi phân tích theo trường phái đầu tư giá trị (Benjamin Graham được xem như là tổ sư của trường phái này). Khi phân tích một doanh nghiệp, bạn có thể áp dụng tương tự: 40 ngàn chính là số tiền phải bỏ ra (thị giá); còn số tiền lương kiếm được trong tương lai chính là dòng tiền từ lợi nhuận mà doanh nghiệp đó sẽ sinh ra trong tương lai, bạn sẽ dự đoán dòng tiền và từ đó tính ra giá trị của khoản đầu tư đó.
Khắc phục điểm yếu lớn nhất của người Việt
Benjamin Graham có nói ngay ở đầu cuốn sách rằng: kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư chính là bản thân anh ta. Nghĩa là, phần lớn những sai lầm mà nhà đầu tư mắc phải không phải xuất phát từ những nguyên nhân khách quan (công ty đột nhiên phá sản, ban lãnh đạo gian dối, rủi ro thị trường,…) mà là do chính sai lầm chủ quan mà nhà đầu tư tự gây ra. Điều này đặc biệt đúng ở Việt Nam: phần lớn mọi người thường lo lắng và đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan (có thể xem các bài phỏng vấn trực tuyến gần đây) hơn là tự nhìn lại chính bản thân mình.
Ở đây tôi thử phân tích điểm yếu lớn nhất của người Việt khi đầu tư. Vâng, nói một cách ngắn gọn là thế này: người Việt rất hám của rẻ. Trong con mắt người nước ngoài, người Việt rất hà tiện, chứ không biết tiết kiệm.
Người hà tiện là người chỉ biết nghĩ đến thị giá. Còn người tiết kiệm là người biết dung hòa giữa thị giá và giá trị.
Phần trình bày ngay phía sau đặc biệt quan trọng cho bất kỳ ai muốn bước vào thế giới đầu tư. Thậm chí nếu bạn không quan tâm đến đầu tư, bạn cũng cần biết đến những điều sau đây để có cái nhìn đúng đắn hơn trong việc mua sắm, tiêu xài. …
Ví dụ 1. Trước kia tôi thường rất hay bị bạn bè và đồng nghiệp chê cười vì cách tôi bỏ tiền cho các bữa ăn sáng ở bên ngoài. Bữa ăn sáng của tôi tốn khoảng 6-8 ngàn đồng, trong khi những người đó khoe rằng họ chỉ ăn xôi, bánh,… mất 10 – 20 ngàn đồng. Với những bữa sáng rẻ như vậy, chẳng trách họ mới làm việc hoặc học tập đến 10 giờ sáng là hoa mắt, buồn ngáp, uể oải. Điều hài hước nữa là sau bữa sáng họ tiếp tục phải bỏ thêm tiền để mua thêm nhiều thứ khác để ăn cho đỡ đói và mệt! Nghĩa là nếu tính số tiền thực sự đã bỏ ra, và xét thêm việc năng suất lao động bị giảm vì ham của rẻ lúc đầu, cái giá 10-20 ngàn đồng chẳng còn hời một tí nào. Tôi ước họ có thể tham khảo bữa ăn của người Nhật: rất mắc, nhưng nhờ ăn uống như vậy mà người Nhật có thể làm việc với 100% khả năng cho đến 70 tuổi mà vẫn chạy tốt; còn phần lớn người Việt không đủ sức làm 50% của khả năng cho đến năm 35 tuổi. Cho dù điều kiện kinh tế khó khăn đến thế nào, người Nhật cũng sẵn sàng đầu tư thích đáng cho bữa ăn.
Ví dụ 2. Một số bạn của tôi khi mua xe gắn máy đều chọn xe Trung Quốc. Lý do duy nhất: giá rẻ. Họ lý luận rằng xe Trung Quốc chỉ có 5 triệu, còn xe Nhật (second-hand) thì mắc gấp đôi. Về thị giá thì đúng là xe Trung Quốc hấp dẫn. Nhưng nếu xét đến chất lượng thì khác. Nếu xét đến số tiền phải bỏ ra tu sửa để xe Trung Quốc có thể chạy được, rồi xét đến tuổi thọ sử dụng, xét đến độ an toàn cho người lái,… tất cả cấu thành nên một con số gọi là “giá trị” cho chiếc xe, và đem so sánh với thị giá bỏ ra, kết quả không hẳn là xe Trung Quốc lúc nào cũng hấp dẫn hơn.
Qua hai ví dụ trên, chúng ta thấy rằng người Việt thường chỉ nghĩ đến thị giá khi mua món đồ gì đó. “Phương pháp” phân tích được nhiều người áp dụng là: so sánh thị giá của các món đồ với nhau để lựa chọn cái tốt nhất. Ngoài ra còn một “trường phái” nữa cũng rất phổ biến, nhất là ở phái nữ: so sánh giá của từng thời điểm.
Ví dụ 3: phần lớn những thứ hàng hiệu như điện thoại di động, quần áo thời trang, giày dép đều có giá bán cao hơn rất nhiều so với giá trị sử dụng thực sự mà chúng đem lại. Vợ của tôi chưa muốn mua đôi giày có giá 1 triệu đồng vì quá mắc, nhưng nếu chỉ cần nghe thông tin bán giảm giá 30% (giá chỉ còn 700 ngàn đồng) thì bảo đảm sẽ đứng ngồi không yên. Thay vì so sánh thị giá và giá trị, thì bây giờ vợ tôi chỉ suy nghĩ giữa giá bán trước và sau khi giảm giá!
Bước đầu tiên để đầu tư khôn ngoan là phải biết mua rẻ. Mua rẻ có nghĩa là mua với thị giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị.
Chú ý: thị giá cao không có nghĩa là đắt, và thị giá thấp càng không có nghĩa là rẻ. Thị giá giảm đi đáng kể (giày giảm giá, hàng xách tay trốn thuế, chứng khoán rớt giá,…) cũng không có nghĩa là nó đã rẻ để đầu tư.
Ví dụ 4. Gần đây tôi được biết những người mua xôi giá 10-20 ngàn ở ví dụ 1 đang chơi chứng khoán. Khỏi nói chắc bạn cũng đoán được họ mua bán thế nào. Phần lớn họ chê cổ phiếu có giá lớn hơn 30 ngàn là đắt nên họ sẽ ào sang mua các cổ phiếu có thị giá siêu rẻ (thường là nhỏ hơn 10 ngàn thậm chí là siêu nhỏ dưới 1000 đồng).
Tôi đã thử tìm hiểu cách “phân tích” cổ phiếu của những người mới bắt đầu chơi, và phát hiện ra nhiều điểm lý thú. Thông tin đầu tiên mà họ tìm đến là bảng giá chứng khoán vào cuối mỗi ngày (trên báo, website, bản tin chứng khoán…). Bất kỳ bảng giá nào cũng có ít nhất 2 cột: mã cổ phiếu và thị giá trong ngày. Và đó chính là thông tin duy nhất mà họ dùng để “phân tích”. Chỉ có 2 cột thì họ phân tích thế nào? Rất đơn giản: họ so sánh các dòng trong bảng giá với nhau! Ví dụ họ so sánh 2 dòng sau:
Cổ phiếu Giá
FLC 5.000
REE 36.000
Và họ kết luận rằng cổ phiếu FLC hấp dẫn hơn cổ phiếu REE!
Một số người thì “hàn lâm” hơn, ngoài bảng giá thì họ còn nhìn vào biểu đồ thị giá của từng cổ phiếu. Khi họ thấy thị giá hiện thời của cổ phiếu nào đó đang xuống thấp nhất so với 3 tháng trước, họ sẽ đinh ninh rằng cổ phiếu đó đang rất rẻ! (Còn nhớ người bạn gái ham mua đồ sale off chứ?).
Phân tích đầu tư không phải như vậy! Đừng bao giờ phí hết thời gian để đọc bảng giá hoặc xem đồ thị, vì chúng chỉ cho ta biết một biến duy nhất: thị giá. Bạn không thể nhìn thấy cột giá trị trong bất kỳ bảng giá nào cả.
Nguyên tắc 2: Hiểu thế nào là Biên độ an toàn (Margin Of Safety)(Lãi khi mua chứ không phải mua đợi công ty làm ăn có lãi mới tăng giá)
Nếu xét kỹ cách phân tích của cô bé trong phần I, ta sẽ thấy có các vấn đề sau:
– Số tiền lương trong tương lai thực chất chỉ là dự đoán, trên thực tế thì số tiền ấy có thể khác đi.
– Mức độ “tăng trưởng” tiền lương có thể cũng không phải là 25%/năm. Có nhiều rủi ro: công ty làm ăn kém, nên kinh tế đi xuống, cô bé ngộ nhận về năng lực của mình…
– Tỉ lệ phần trăm dùng để chiết khấu (8%/năm) cũng có thể sẽ khác đi.
Chỉ cần một trong các yếu tố trên xảy ra, chắc chắn kết quả tính giá trị cuối cùng sẽ có khác biệt. Nói chung nhiều người cùng phân tích một trường hợp thì mỗi người sẽ có kết quả tính giá trị khác nhau. Và con người thì luôn có thể mắc sai sót khi tính toán và nhận định.
Vì vậy Graham đề ra nguyên tắc biên độ an toàn (BĐAT) khi đầu tư: chỉ thực hiện đầu tư nếu như thị giá thấp hơn giá trị một khoảng đáng kể, khoảng đó gọi là BĐAT. Nếu BĐAT càng lớn thì vụ đầu tư đó càng hấp dẫn.
Hay nói cách khác, vấn đề không phải là tính toán để tìm ra giá trị chính xác nhất, vì điều đó là không thể. Thay vì vậy, ta chỉ cần cố gắng định giá sao cho con số gần đúng nhất (xác suất đúng càng cao càng tốt, nhưng không thể 100% được). Vấn đề quan trọng hơn là cần phải đòi hỏi BĐAT thật cao khi thực hiện đầu tư, để “bù đắp” cho những sai số không tránh khỏi khi định giá. Theo Graham, một giao dịch mà không có BĐAT thì giao dịch đó không phải là đầu tư đúng nghĩa.
Nhiều người, mặc dù trình độ rất cao và cho rằng mình hiểu về phân tích đầu tư, lại không biết gì về BĐAT. Xem ví dụ ở trên báo Tuổi Trẻ, bài viết vừa khó hiểu vừa gây hiểu lầm cho người đọc ở chỗ: không nói rõ sai số có thể có trong tính toán và BĐAT thế nào là phù hợp. Nếu tác giả có thể cho rằng BĐAT của mình bằng 0 và tính toán của mình chính xác 100% thì có lẽ tác giả đó sẽ sớm trở thành người giàu nhất Việt Nam trong nay mai.
Hãy ghi nhớ: BĐAT càng lớn thì vụ đầu tư càng hấp dẫn. Nghe đơn giản quá phải không? Ai lại chẳng biết vậy? Thế thì bạn hãy quan sát những người xung quanh đang chơi cổ phiếu.
Sở dĩ hầu hết các học trò của Graham đều thành công là vì họ hiểu được BĐAT. Sau khi bước ra từ “lò luyện” của Graham, mỗi người học trò đều tìm ra phương pháp định giá doanh nghiệp riêng phù hợp với mình. Có người sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu. Có người xác định giá trị bằng cách đánh giá toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp. Có người thì tính luôn giá trị vô hình (thương hiệu của doanh nghiệp) khi định giá. Trong đó nổi bật có Buffett là đặc biệt thành công vì kết hợp được 2 trường phái đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng (vốn dĩ theo mọi người là hoàn toàn trái ngược nhau, có dịp tôi sẽ trình bày về đầu tư tăng trưởng sau). Ngay cả Graham cũng giới thiệu một số phương pháp cụ thể trong cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh”. Mỗi người học trò sở hữu một “chiêu thức” định giá riêng, sao cho phù hợp với thế mạnh của chính mình và tăng độ chính xác khi định giá. Dù dùng chiêu thức nào thì cuối cùng họ cũng tuân theo một nguyên tắc: đòi hỏi BĐAT phải cao.
Lần sắp tới khi ai đó định dạy bạn về phân tích chứng khoán theo trường phái giá trị (hoặc phân tích cơ bản), nếu họ chỉ dạy bạn về PE, PEG, PB, DCF… mà không nói gì đến BĐAT, thì đừng nên tin họ. Nếu chỉ biết chiêu thức mà không biết tâm pháp, bạn chỉ có thể làm Sơn Đông Mãi Võ kiếm bạc cắc qua ngày thôi.
Warren Buffett có nêu một hình tượng rất lý thú. Nếu bạn cần xây một cây cầu để xe có trọng tải 10 tấn đi qua, bạn phải thiết kế và thi công cây cầu chịu được 15 tấn. Phần 5 tấn đó chính là BĐAT. Dù bạn có thông minh đến đâu thì cũng không thể lường trước được những biến cố trong tương lai: thời tiết bất thường, một số xe ăn gian tải trọng,… Nếu bạn ngoan cố xây cây cầu tải trọng 10 tấn hoặc thấp hơn, không sớm thì muộn cây cầu sẽ sập tan tành. Trường hợp này đặc biệt đúng khi bạn ở Việt Nam.
Một khái niệm cơ bản khác cần ghi nhớ đó là Ngài Thị Trường (Mr. Market)
Tôi vẫn thường nghe nhiều người than phiền rằng phân tích cơ bản không có đất dụng võ ở thị trường Việt Nam. Họ cho rằng đi học mấy lớp về phân tích chứng khoán xong rồi chẳng áp dụng được gì. Chẳng hạn: tại sao cổ phiếu Z có các chỉ số cơ bản đẹp vậy mà giá cứ thấp lè tè? Họ cho rằng bây giờ người ta chỉ quan tâm đến thị giá thôi, có ai đầu tư dựa vào giá trị thực đâu mà mình phân tích giá trị làm chi cho mệt.
Một lần nữa, những người đó chỉ học chiêu thức mà chưa thuộc tâm pháp. Ngoài BĐAT, Graham còn đề ra một nguyên tắc nữa: ông Thị Trường (Mr. Market).
Để hiểu được nguyên tắc này, thay vì sở hữu cổ phiếu, bạn hãy tưởng tượng mình đang sở hữu một miếng đất do cha ông để lại. Dĩ nhiên là bạn dễ dàng biết được giá trị thực sự của miếng đất hơn là so với giá trị của cổ phiếu. Ngoài ra, hãy tưởng tượng thị trường chứng khoán là một ông hàng xóm – tên là ông Thị Trường – người cũng có một mảnh đất ở bên cạnh mảnh đất của bạn.
Hằng ngày, ông Thị Trường sẽ đến trước cửa nhà bạn để đưa ra một mức giá để mua mảnh đất của bạn, hoặc ngược lại bạn có thể mua miếng đất của ông ta nếu thấy giá đó hợp lý. Mặc dù cả hai miếng đất đều giống nhau về diện tích và địa thế, nhưng mức giá mà ông Thị Trường đưa ra luôn biến động theo từng ngày. Chỉ có điều, ông Thị Trường có tâm lý rất bất ổn định. Trong một số ngày ông ta chỉ thấy toàn khía cạnh tích cực của miếng đất và vô cùng phấn khích, khi đó ông ta chào một mức giá vô cùng cao. Lại có một số ngày, ông ta rơi vào trạng thái vô cùng hoang mang và chỉ nhìn thấy toàn khía cạnh tiêu cực, khi đó ông ta sẽ đưa ra mức giá vô cùng thấp.
Ngoài ra, ông Thị Trường còn rất lì. Nếu hôm nay bạn từ chối giao dịch, thì ngay ngày hôm sau ông ta lại đến gõ cửa để chào mức giá khác, cao hơn hoặc thấp hơn tùy theo tậm trạng của ông ta ngày hôm đó. Ông ta không bao giờ quan tâm đến giá trị thực sự của miếng đất cả.
Nếu bạn cũng không hiểu rõ giá của miếng đất, bạn phải cẩn thận với ông Thị Trường. Rất có thể chứng tâm lý bất ổn định sẽ lây từ ông qua sang bạn. Khi đó bạn có thể sẽ mua phải miếng đất của ông ta hoặc bán miếng đất của mình với cái giá sai lầm.
Warren Buffet có lời khuyên như sau: Ngài Thị Trường ở trước cửa là để phục vụ bạn, chứ không phải để hướng dẫn bạn; cái mà bạn cần là túi tiền của ông ta, chứ không phải sự ngôn ngoan của ông ta. Nếu bạn tin rằng cái giá mà ông ta đưa ra quá cao so với giá trị thực của miếng đất, bạn có thể thản nhiên từ chối giao dịch, hoặc thậm chí có thể bán ngay miếng đất của mình. Tương tự, khi ông ta hoang mang cực độ, bạn có thể tận dụng cơ hội để mua miếng đất của ông ta ngay lập tức.
Graham cho rằng bạn nên tập trung tìm ra sự khác biệt giữa thị giá và giá trị, và khi có được BĐAT tương đối lớn thì thực hiện đầu tư ngay. Sau đó, bạn không được để sự biến động hằng ngày của thị giá ảnh hưởng đến quyết định mua/bán của mình. Thậm chí bạn cần phải trông đợi sự biến động đó. Về ngắn hạn, sự khác biệt giữa thị giá và giá trị luôn tồn tại, nhưng về lâu dài thì chúng sẽ tiến lại gần nhau. Bạn có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn mức trung bình của thị trường nếu biết tận dụng những lúc có sự khác biệt đó. Muốn làm được điều đó thì bạn phải biết cách tránh xa những ảnh hưởng tâm lý của Ngài Thị trường.
Câu chuyện trên còn cho thấy vì sao phần lớn mọi người đều thành công khi đầu tư vào căn nhà hoặc miếng đất cho tương lai lâu dài của mình (Như bà nội của tôi chẳng hạn, bà chưa hề học qua lớp phân tích đầu tư nào hết nhưng vẫn có thể chọn ra căn nhà có giá trị cao). Thực tế thì họ không bị Ngài Thị trường quấy rầy mỗi ngày khi sở hữu căn nhà. Chẳng may nếu họ có thể giao dịch căn nhà qua mỗi ngày, hoặc tệ hơn nữa, họ có thể chia căn nhà ra thành nhiều phần thay vì phải giao dịch cả nguyên căn, có lẽ phần lớn trong số họ sẽ gặp thất bại khi đầu tư vào nhà đất.
Khi bạn mua cổ phiếu nào đó, hãy viết ra giấy cách thức tính toán giá trị của bạn. Nếu thị giá của cổ phiếu đó giảm chỉ còn phân nửa, đừng hoang mang. Hãy nhìn lại tờ giấy đó, xem cách tính toán đó còn đúng không. Nếu vẫn tin rằng nó đúng, bạn có thể có 2 lựa chọn:
- Không quan tâm đến thị giá hiện tại. Theo cách này thì về lâu dài bạn sẽ có được mức lợi nhuận thỏa đáng (như trong bài viết trước).
- Lấy tiền mua thêm cổ phiếu đó.
Trên đây là bài viết của một nhà đầu tư rất thành công chia sẻ trên mạng được TVTinvest sưu tầm, có điều chỉnh một số ít nội dung để làm bài học, nay chia sẻ để mọi người cùng đọc và học hỏi thêm.