NHÀ ĐẦU TƯ JIM SLATER VÀ NHỮNG LỜI KHUYÊN
Jim Derrick Slater (sinh ngày 03/02/1929 – mất ngày 18/11/2015) là một doanh nhân, nhà đầu tư và nhà báo nổi tiếng tại nước Anh. Ông sinh ra và lớn lên tại bang Cheshine, nước Anh trong một gia đình thuần nông. Tuy nhiên ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ khả năng ham học hỏi với các con số. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông quyết định chọn ngành kế toán trong trường đại học. Khi ra trường, ông khởi nghiệp với vị trí kế toán và sau đó chuyển sang làm quản lý từ năm 1953 đến 1963 ở 3 công ty khác nhau của Anh trong ngành sản xuất, công ty cuối cùng trong số này là công ty ôtô nổi tiếng Leyland Motor Corporation.
Trong thế giới đầu tư, ông được đánh giá là người có những lời khuyên ảnh hưởng nhất đối với những nhà đầu tư “tư nhân nhỏ” bởi dịch vụ tư vấn tài chính “Company REFS” của ông đã giúp đã hàng chục nghìn nhà đầu tư cá nhân xây dựng phương pháp và chọn lọc doanh nghiệp tốt trong đầu tư.
Sau này khi kể lại trong một buổi phỏng vấn với báo chí, trong suốt quá trình đầu tư, ông chia sẻ chủ yếu đầu tư theo cơ bản. Theo ông, nhà đầu tư nhỏ, bình dân có một số lợi thế so với những nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp. Trước tiên, nhà đầu tư nhỏ có ít tiền để đầu tư hơn nên họ có thể đầu tư với hiệu quả cao hơn vào những công ty nhỏ hơn. Thứ hai, các nhà đầu tư nhỏ khó có khả năng đầu tư vào hơn 10 công ty.
Điều này có nghĩa là họ có thể chọn ra được các công ty tốt nhất thuộc top 10. Nếu so sánh thì các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ có một danh mục đầu tư lớn hơn nhiều và không thể tránh khỏi trong số đó có những công ty không phải là thuộc nhóm tốt nhất.
Những lời khuyên cụ thể trong đầu tư mà ông chia sẻ như sau:
1. Kết hợp giữa đầu tư tăng trưởng và đầu tư giá trị để tìm ra cổ phiếu của các công ty nhỏ, tăng trưởng trước khi nó thành công và trở thành công ty lớn (còn gọi là hidden gem – viên ngọc ẩn dấu).
2. Công cụ chính mà Slater phát minh ra và phổ biến để tìm kiếm loại cổ phiếu này là tỷ lệ PEG (so sánh P/E của một công ty với tốc độ tăng trưởng dự kiến hoặc ước tính của thu nhập mỗi cổ phiếu).
Slater nhận ra rằng, tỷ lệ P/E cao không đồng nghĩa với việc cổ phiếu đó đắt nếu tăng trưởng thu nhập của nó cũng cao và ngược lại. Ví dụ, nếu cổ phiếu của một công ty có mức P/E tương đối cao là 30 nhưng lợi nhuận của nó được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 30%, thì nó sẽ có PEG là 1, và đây là một tỷ lệ tốt để đầu tư. Ngày nay, tỷ lệ PEG đã được các nhà phân tích đầu tư sử dụng rất rộng rãi.
3. Nhìn báo cáo tài chính trong 5 năm liên tiếp để ra quyết định lựa chọn
Theo ông, một cổ phiếu được chọn khi báo cáo tài chính 5 năm liên tiếp tới thời điểm khuyến nghị trên báo cáo đều phải có lãi, không năm nào có lỗ. Nếu trong vòng 5 năm trước công ty có lợi nhuận sụt giảm tại năm nào đó thì nó phải đạt được mức cổ tức cao nhất trong năm gần nhất. Điều này chứng tỏ công ty đang thật sự có động lực để tăng trưởng.
4. Nếu gặp thua lỗ, hãy tạm dừng cuộc chơi để xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ cuộc lúc gặp khó khăn bởi họ cảm thấy chán nản khi phải gánh chịu những điều vô lý và bất công. Đôi khi những nhà đầu tư này nghĩ rằng mình không có đủ năng lực và xui xẻo nên không còn khát khao đạt được mục tiêu ban đầu đề ra khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán.
Trước tiên, hãy xác định vấn đề mà bản thân đang gặp phải, tại sao trong lần giao dịch vừa qua ta lại phải cutloss? Sai lầm từ lần cắt lỗ vừa trên là do chúng ta không tuân thủ theo kỉ luật, phương pháp của bản thân hay là do tới từ yếu tố phi rủi ro chung không lường trước được? Hay do chính sự chủ quan của bản thân? Tìm ra chính xác vấn đề đang mắc phải để từ đó vượt qua nghịch cảnh trong đầu tư chứng khoán chính là việc mỗi người cần làm sau mỗi giao dịch chưa thành công.
5. Nên nhớ bất cứ nhà đầu tư thiên tài đầu tư nào cũng từng chí ít một lần đối diện với những khó khăn trong đầu tư nhưng điều quan trọng nhất mà họ đúc kết được là “Biến cố trên thị trường dạy ta biết quản lý rủi ro tốt hơn, lựa chọn doanh nghiệp một cách bài bản hơn. Đó là những bài học sinh động mà không một trường đại học hay sách vở nào dạy được. Nếu không thất bại nặng nề như thế, ta sẽ không bao giờ nghiệm ra được lối tư duy cũng như kỹ năng để trở thành một nhà đầu tư chứng khoán thành công”.
SƯU TẦM