CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

TẠI SAO TRƯỚC KHI THÀNH CÔNG CHÚNG TA NÊN THẤU HIỂU THẤT BẠI?


Vì cuộc đời là không ngừng biến động, ai mà không có thời điểm nghèo nàn, khó khăn, ai mà không có lúc thất bại cay đắng nhưng người thực sự có bản lĩnh là sẽ biết tìm cách đập tan quá khứ và trèo lên đỉnh thành công tại thời điểm tưởng như là bước đường cùng. Ngay tại thời điểm đó, chúng ta không chỉ phải đối mặt với khó khăn về tài chính mà còn có những áp lực từ sâu trong tinh thần, những cảm xúc khó chịu và một thái độ bi quan.

Thế nhưng, tất cả những thứ đó đều chỉ là tâm lý của nhất thời. Nếu có thể dứt bỏ những ý định không thực tế trong đầu, quay trở lại với cuộc sống thực hằng ngày thì bạn sẽ hiểu ra rằng, muốn trở nên mạnh mẽ hơn, phải không ngừng đi về phía trước dù trên lưng gồng gánh nhiều đến thế nào. Cho dù phải đối mặt với thất bại hay khó khăn, chúng ta vẫn luôn phải nhớ kỹ: Càng bất lợi càng tự mình cố gắng, cá chép muốn hóa rồng phải vượt qua Vũ môn – Người muốn thành công phải thấu hiểu thất bại, và sau đây là những điều rút ra từ thất bại:

1. Những bài học rút ra từ sự thất bại:

Bài học thứ nhất: Mỗi khi mệt mỏi muốn dựa dẫm vào người khác, hãy nhớ rằng: Dựa núi – núi đổ, dựa người – người đi.

Ngày nay, không có chỗ dựa nào vững chắc và lâu bền hơn chính bản thân mình. Chỉ có dựa vào chính mình, tự biến bản thân trở thành một ngọn núi sừng sững giữa đất trời, chúng ta mới không bao giờ thua cuộc. Cho dù bây giờ của chúng ta không đủ sức mạnh, không đủ tiềm lực nhưng chỉ cần biết nỗ lực từ bên trong, dù khó khăn, dù khổ sở thế nào cũng luôn có cách để vượt qua. Phải luôn có dũng khí thì sau đó mới có đủ năng lực để thay đổi hiện trạng và tương lai của chính mình.

Bài học thứ haiKhoảnh khắc rơi bước đường cùng, tụt xuống đáy của cuộc đời chính là thời điểm tốt nhất để bạn bắt đầu đi lên.

Từng có người nói một câu như thế này: “Nếu vận mệnh tạo cho ta một vực sâu trong cuộc sống, ta sẽ dùng nó để sáng tạo ra đỉnh cao của chính mình.” Nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn, sa cơ lỡ vận rơi xuống đáy vực thẳm lại chìm trong đau khổ, không có chí tiến bước, chúng ta sẽ mãi mãi loanh quanh luẩn quẩn ở nơi đó và cuộc sống cũng không bao giờ thoát khỏi hai chữ “nghèo nàn”.

Ngược lại, nếu lấy hết dũng khí từ sâu trong lòng, dám đương đầu với nguy hiểm từ vách núi vực sâu, không ngừng tiến bước đi lên dù phải đối mặt với rất nhiều gian truân trắc trở, chúng ta mới có cơ hội dần dần rời xa vùng đáy của cuộc đời và trèo lên đỉnh núi.

Bài học thứ ba: Thay vì giận dữ, sao không tranh đua?

Người thông minh là người hiểu được cách quản lý cảm xúc của chính mình mà không mặc kệ sự giận dữ phát tiết ra bên ngoài, tạo thành những ảnh hưởng tiêu cực cho cả thể xác lẫn tinh thần. Chỉ có thời điểm mà chúng ta thật sự tỉnh táo, chúng ta mới có thể nhìn thấu được trạng thái chân thật nhất của cuộc đời mình, nhìn nhận lại nhược điểm của bản thân, thay đổi những khuyết điểm cố hữu và tập trung phát huy sở trường, tìm ra khía cạnh nổi trội để không ngừng khai thác vươn lên. Thay vì mất thời gian giận dữ với cuộc đời, với xã hội, tại sao không bắt đầu nỗ lực tranh đua, phấn đấu hơn để dành lấy nhiều cơ hội hơn cho cuộc sống của chính mình.

Bài học thứ tư: Hết thảy quá khứ rồi sẽ qua, sau cơn mưa trời lại sáng

Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên. Chỉ cần không ngừng phấn đấu, không ngừng hy vọng và tin vào một tương lai phía trước, chúng ta nhất định có thể vượt qua những khó khăn gian khổ của hiện tại và hướng đến một tương lai tươi sáng sau này. Khi bản thân chúng ta có niềm tin vào tương lai, tinh thần dần trở nên sáng sủa thì tầm nhìn mới có thể rộng mở để đón nhận ánh sáng cũng như sức mạnh tích cực đến từ bầu trời.

Thay vì mãi mãi dậm chân tại nghèo nàn hay thấi bại, chỉ cần bạn dám đặt bước đầu tiên trên con đường thay đổi, bạn đã chiến thắng chính mình, chiến thắng hiện tại và có quyền nắm lấy tương lai của bản thân trong tay.

2. Hiểu lý do vì sao thất bại?

Thất bại quả thực là một điều đáng sợ. Bạn không dám bước vì sợ gãy chân, nhưng vì sợ gãy chân mà không dám bước thì chẳng khác nào chân đã gãy. Vì thế, hãy cứ liều mình chấp nhận thách thức và khi thất bại, hãy dũng cảm đối diện với nó để tiến lên. Nhưng chúng ta cần phải hiểu nguyên nhân nào mà mình lại hay thất bại đến vậy:

–  Dễ bị xao lãng:

Sự xao lãng có ở khắp mọi nơi. Chúng có thể khiến ta quên đi mục tiêu hay đích đến của mình. Sự thực là, chúng ta luôn kiểm soát được một vài khía cạnh trong cuộc sống của mình, vì thế hãy chọn lọc và ưu tiên những nhiệm vụ, công việc phù hợp với mục tiêu bạn đã đặt ra.

Ta chỉ có thể đưa ra được chiến lược khi biết mình giỏi nhất ở khía cạnh nào. Hãy thử mọi lĩnh vực và xem đâu là nơi chúng ta ít bị xao lãng nhất. Nhờ đó, bạn có thể quản lý thời gian của mình tốt hơn, cũng như tiến gần hơn đến thành công và hạnh phúc.

– Thiếu niềm tin vào bản thân:

Mỗi người lại có một kiểu thiếu niềm tin vào bản thân khác nhau. Bởi lẽ, sự tự tin của chúng ta còn phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, hoàn cảnh quá khứ, gien, văn hóa,... Sự thật là, chúng ta không thể thay đổi những trải nghiệm mà quá khứ mang đến cho ta. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể thay đổi tư duy để trở nên tự tin hơn vào bản thân. Để trở nên tự tin hơn, bạn cần hiểu rõ hơn về bản thân mình. Bạn có thể làm điều này bằng cách chăm sóc cơ thể thật tốt và thấu hiểu những cảm xúc của mình.

–  Nỗi sợ thất bại

Thất bại thường tạo ra sự sợ hãi. Khi sợ thất bại, chúng ta đang cho phép bản thân ngừng làm những việc giúp ta đạt được mục tiêu, giúp ta tiến về phía trước và mở ra những cơ hội tưởng chừng như không khả thi. Chúng ta cần có đủ niềm tin vào bản thân, thay đổi tư duy từ “chưa đủ tốt” thành “hơn cả tốt”. Nếu không thể thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực này, hãy tranh thủ tiếp xúc với những người lạc quan có tư duy tích cực xung quanh bạn.

– Trì hoãn

Căn bệnh trì hoãn là nguyên nhân phổ biến dẫn tới thất bại. Chúng ta luôn có thói quen trì hoãn công việc nhằm để dành cho lần sau. Nó chẳng khác nào bạn bỏ cuộc để cảm thấy thoải mái hơn. Chúng ta luôn cố gắng tránh xa những cảm xúc tiêu cực và công việc áp lực, và đây chính là những thứ chúng ta hay trì hoãn nhất. Muốn từ bỏ thói quen xấu xí này, việc đầu tiên bạn phải làm là thừa nhận mình đã trì hoãn.

Sau đó, chúng ta phải hiểu tại sao chúng ta lại trì hoãn và đưa ra những chiến lược phù hợp để tránh lặp lại điều này. Đôi khi, chúng ta còn không biết mình đang trì hoãn và điều này ngăn cản chúng ta vận dụng hết tiềm năng của mình. Vì thế, bạn cần hiểu rõ thói quen này và đưa ra những thay đổi tích cực để “ngã về phía trước”.

3. Cần làm gì khi gặp thất bại?

Khi chúng ta đã biết rõ nguyên nhân thất bại cũng là lúc chúng ta thực hiện 3 điều sau đây để “ngã về phía trước”.

– Chấp nhận rủi ro

Khi chấp nhận rủi ro, chúng ta thường đánh giá quá cao khả năng mọi chuyện đổ bể. Chúng ta thường hay phóng đại mọi chuyện trong trí tưởng tượng của mình, và kết quả là, điều này khiến ta đánh giá sai kết quả tình huống. Sự thực là, mọi thứ thường tốt hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Để chấp nhận rủi ro, bạn không nên sợ thất bại.

– Hiểu rằng thất bại cũng là một loại động lực

Điều này có vẻ khôi hài, nhưng hãy cảm thấy hạnh phúc khi bạn thất bại. Chúng ta thường được dạy rằng, thất bại là do chúng ta tính toán sai, quyết định sai, không đủ may mắn để cải thiện cuộc đời mình. Tuy nhiên, thực ra thất bại sẽ làm ta mạnh mẽ và dũng cảm hơn. Đó là dấu hiệu của sự tiến bộ, vì vậy, ta cần nhìn nhận thất bại như một sự trưởng thành. Nếu không phạm sai lầm, ta sẽ không biết mình có thể đi đến đâu. Hãy dùng thất bại để làm bàn đạp tiến về phía trước.

– Kiên trì bền bỉ

Kiên trì là khả năng đứng dậy từ thất bại. Khả năng thành công của bạn sẽ dựa vào sự kiên định và bền bỉ của bạn. Mỗi khi thất bại, bạn sẽ có hai lựa chọn: ngồi gặm nhấm sự thất bại đó hoặc lấy đó làm động lực để trở nên mạnh mẽ. Kiên trì đòi hỏi bạn phải có mục tiêu, đam mê và kiên nhẫn. Quan trọng là, bạn phải tự học hỏi từ thất bại của mình và không được phép so sánh thất bại của mình với người khác.

Hãy tưởng tượng như thế này. Bạn đang nâng tạ ở phòng gym, và huấn luyện viên cứ hét lên: “Thêm nữa nào!” Huấn luyện viên muốn ta thành công, nhưng đồng thời cũng muốn chúng ta thất bại. Họ muốn đẩy chúng ta vào trạng thái khó chịu tới mức các cơ bắp mỏi mệt rã rời. Tại sao ư? Bởi vì khi bạn thách thức cơ thể mình bằng cách bắt nó luyện tập ở cường độ không quen, nó sẽ phản ứng lại bằng cách phát triển thêm cơ bắp. Đó cũng chính là cách ta học để trở nên thoải mái từ những điều không thoải mái. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong thể thao mà còn được vận dụng để cải thiện tinh thần của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết “ngã về phía trước” để đạt tới thành công mà mình mơ ước.

SƯU TẦM

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com