RỦI RO TRONG ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN ĐẾN TỪ ĐÂU?
Khi nói về đầu tư chứng khoán mọi người thường nghĩ nhiều về rủi ro, vậy rủi ro trong đầu tư chứng khoán bắt nguồn từ đâu? Có thật sự rủi ro như mọi người nghĩ không? Và có cách gì để hạn chế rủi ro không? Đấy là những vấn đề người đầu tư cần xem xét suy nghĩ để trả lời cho mình trước khi tham gia đầu tư.
Đầu tư chứng khoán là đem tiền của mình mua cổ phiếu (một phần) của một Doanh nghiệp đang được niêm yết trên sàn chứng khoán với kỳ vọng Doanh nghiệp đó kinh doanh phát triển, tài sản ngày một nhiều lên và giá trị mỗi cổ phiếu tăng lên theo thời gian (càng nhanh càng tốt). Lúc này người đầu tư nắm giữ cổ phiếu đó sẽ thu được lợi nhuận từ 2 nguồn chính đó là: Thu được phần cổ tức do công ty chi trả và phần gia tăng về giá (chênh lệch giá) của cổ phiếu khi được thị trường định giá lại do giá trị của cổ phiếu đã tăng lên.
Như vậy mục tiêu của đầu tư chứng khoán là bỏ ra một số tiền để mua cổ phiếu có một giá trị nhất định ở hiện tại và mong muốn thu được số tiền nhiều hơn trong tương lai. Nhưng chúng ta biết rằng: tương lai là không chắc chắn nên số tiền thu được có thể tăng lên hoặc giảm xuống và có thể mất hết là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là xác suất rủi ro trong đầu tư và nó luôn tồn tại, mức độ rủi ro phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng yếu tố chính gây nên rủi ro trong đầu tư chứng khoán xuất phát từ chính bản thân nhà đầu tư thiếu năng lực, kiến thức để nhân biết và phát hiện ra những nguy cơ luôn rình rập quanh mình để mà tránh. Tuy nhiên cũng có một số yếu tố khác đến từ bên ngoài, nó xuất hiện sau khi thực hiện đầu tư. Đó là một số yếu tố như sau:
1. Rủi ro đến từ Doanh nghiệp mà chúng ta lựa chọn để đầu tư gồm:
– Doanh nghiệp có sản phẩm dịch vụ thuộc ngành nghề không bền vững dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động của điều kiện kinh tế chung, không có ưu thế cạnh tranh bền vững nên dễ bị làm giả, nhái, mất thị phần thị trường,… nên kết quả kinh doanh sa sút dần theo thời gian nên phiếu vì thế cũng sẽ mất dần giá trị và giá sẽ giảm gây thiệt hại cho nhà đầu tư;
– Một điều rủi ro lớn nhất là đến từ đội ngũ Lãnh đạo doanh nghiệp không trung thực: báo cáo thông tin sai sự thật, che giấu thông tin xấu, khuếch trương thông tin tốt, che giấu kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính, yếu kém trong quản lý điều hành, tham lam mưu cầu lợi ích riêng,… dẫn đến các nhà đầu tư hiểu và xác định sai giá trị nội tại của doanh nghiệp ở hiện tại cũng như trong tương lai.
2. Rủi ro đến từ chính sách pháp luật của các cơ quan quản lý: Ngoài những rủi ro đến từ nội tại của doanh nghiệp thì một rủi ro khác đến từ các tác động bên ngoài doanh nghiệp đó là sự thay đổi về các chính sách của cơ quan quản lý như: chính sách thuế, tỷ giá, tỷ lệ lãi suất,…cũng có tác động không nhỏ lến kết quả hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp làm cho giá trị cổ phiếu thay đổi tạo ra rủi ro cho các vụ đầu tư;
Mặt khác, các chính sách quản lý điều hành thị trường chứng khoán như: hạn chế tỷ lệ sở hữu của các tổ chức cá nhân nước ngoài trong các doanh nghiệp, tỷ lệ vay ký quỹ; các quy định về báo cáo thông tin, thời gian giao dịch,… khi thay đổi cũng làm ảnh hưởng đến kết quả đầu tư, gây rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
3. Rủi ro đến từ sự biến động của thị trường chung: Thị trường chứng khoán biến động không ngừng theo thời gian. Việc giao động của thị trường tác động trực tiếp lên cảm xúc của các nhà đầu tư làm cho họ mất lý trí hành động thiếu sáng suốt. Khi thị trường tăng tâm lý mọi người vui vẻ họ có xu hướng mua vào đẩy giá cổ phiếu tăng cao vượt xa giá trị thật của nó gây bong bóng và đến một lúc nó vỡ thì hậu quả rủi ro rất lớn. Khi thị trường xấu tâm lý thận trọng mọi người có xu hướng bán ra, rút tiền về hoặc đứng ngoài thị trường nên giá cổ phiếu vì thế mà giảm xuống ngày càng mạnh và kéo dài, thanh khoản thấp muốn bán không bán được,… Ngoài ra thị trường chung là nơi tập hợp rất nhiều thành phần tham gia, và trong đó có nhiều thành phần luôn lợi dụng sự biến động của thị trường để tạo ra các các cạm bẫy như: Đẩy giá, ép giá, tạo sóng giả, tung tin giả,…để làm giá cổ phiếu nhằm mục tiêu riêng của họ.
Việc nhận thức đầy đủ về các yếu tố gây nên rủi ro trong đầu tư là rất cần thiết để chúng ta có căn cứ đề ra các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho mình. Theo góc nhìn của bản thân cách hạn chế rủi ro tốt nhất là mỗi nhà đầu tư chúng ta trước khi tham gia cần học hỏi, trang bị cho mình một lượng kiến thức cơ bản nhất định về thị trường trước khi bỏ tiền ra tham gia thị trường. Theo góc nhìn của bản thân mình thì các nhà đầu tư nên tập trung học hỏi các kỹ năng cơ bản sau:
– Kỹ năng nhận biết và lựa chọn cổ phiếu đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh tốt có sản phẩm dịch vụ thuộc ngành nghề ít bị tác động của tình hình kinh tế chung, sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh cao (chi phí thấp, giá thấp, độc quyền,…);
– Kỹ năng nhận biết Lãnh đạo doanh nghiệp trung thực, có năng lực có Tâm và có Tầm thông qua các thông tin do công ty ban hành có kịp thời, trung thực không? Có hay mua bán cổ phiếu không? Tình hình chi trả cổ tức hành năm có hợp lý không? Việc thực hiện kế hoạch hàng năm có được đảm bảo như những gì họ vạch ra trong báo cáo thường niên không?,….
– Để hạn chế các rủi ro về chính sách: Thường xuyên theo dõi thông tin qua các kênh chính thống để xem xét cập nhật cho quá trình phân tích ra quyết định đầu tư kịp thời đảm bảo hiệu quả cao.
– Kỹ năng tự xây dựng cho mình một triết lý, nguyên tắc đầu tư riêng phù hợp với tính cách của bản thân lúc này tự mình sẽ có chính kiến riêng, không phụ thuộc vào thông tin đồn thổi, chạy theo đám đông, tự tin mua cổ phiếu mà mình đã dày công nghiên cứu hiểu rõ về doanh nghiệp đó, nắm giữ dài hạn mà không bị ảnh hưởng của việc giá dao động hàng ngày, …và bán ra khi nhận thấy các biểu hiện phá vỡ các tiêu chuẩn của mình đặt ra. Luôn giữ vững nguyên tắc kỷ luật trong đầu tư,…
Một vài suy nghĩ về rủi ro trong đầu tư, viết ra nhằm nhắc nhở bản thân mình nay chia sẻ để mọi người cùng suy ngẫm. Mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư khác cùng góp ý kiến bổ sung để cùng học hỏi và đầu tư thành công.
TVTinvest