CÁCH ĐẶT MỤC TIÊU PHÙ HỢP VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC MỤC TIÊU ĐỀ RA.
Thông thường vào những ngày đầu năm mới chúng ta ai cũng đều muốn đặt ra cho mình những mục tiêu để định hướng cho bản thân mình hành động trong suốt năm đó. Nhưng việc đặt mục tiêu thế nào để phù hợp với năng lực bản thân là điều không hề dễ dàng. Hãy suy ngẫm về những điều sau để giúp việc đặt mục tiêu của bạn được phù hợp và có thể thực hiện được chúng, giúp chúng ta sớm thành công trong cuộc sống:
I/ THẾ NÀO LÀ MỘT MỤC TIÊU PHÙ HỢP?
Mục tiêu là nền tảng để định hướng cuộc sống. Đặt mục tiêu đúng, phù hợp với bản thân mình là cách giúp chúng ta có thể nắm bắt quyền kiểm soát tương lai và phát triển nó theo cách mà bản thân mình mong muốn.
Với kinh nghiệm dồi dào của mình, bậc thầy tự lực Tony Robbins chỉ ra vấn đề mà hầu hết mọi người thường gặp phải khi đặt mục tiêu đó là chúng ta thường đặt ra quá nhiều mục tiêu hoặc đặt sai mục tiêu. Theo Tỷ phú Tony Robbins khẳng định việc thiết lập mục tiêu không hề khó, quan trọng là chúng ta phải nắm được và thực hiện đủ 6 bước dưới đây:
1. Xác định những gì bạn muốn
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng một trong những vấn đề lớn nhất mà mọi người phải đối mặt khi cố gắng tìm chìa khóa thành công là: Biết mình muốn gì ngay từ đầu.
Xác định mục tiêu hay “Ước mơ có thời hạn” là điều hết sức quan trọng để tìm ra cách bắt đầu tạo ra “Một tương lai tươi sáng”.
Một cách hiệu quả để xác định những gì bạn muốn đó là viết ra ý tưởng của bạn. Trong quá trình liệt kê suy nghĩ của mình, bộ não của chúng ta có thể chọn ra những mục tiêu có thể đạt được và mong muốn nhất.
Bằng cách thiết lập những gì bạn muốn, bạn có thể biến những mong muốn đó thành hiện thực với sự rõ ràng và nghiêm túc.
2. Chứng minh rằng mục tiêu của bạn là chính đáng
Một khi bạn đã xác định được mục tiêu thì bạn phải hiểu được nguồn gốc của mục tiêu đó. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc bám sát và biến ước mơ trở thành hiện thực.
Đôi khi tại một thời điểm nào đó bạn nghĩ rằng mình rất muốn có được thứ này, nhưng sau một hồi suy ngẫm thêm, bạn nhận ra rằng mình chỉ đơn giản là bị cuốn hút vào một ý tưởng trên cơ sở tạm thời.
Để biện minh cho mục tiêu của mình, bạn có thể dành thời gian thảo luận về những gì bạn muốn làm với những người thân, bạn bè của mình, hay với một huấn luyện viên hoặc bất cứ ai xung quanh bạn.
Việc này không có nghĩa là người khác sẽ quyết định những gì bạn phải làm, đây chỉ là một số quan điểm nhiều chiều để bạn tham khảo. Quyết định cuối cùng vẫn là do bạn.
3. Cụ thể hóa mục tiêu
Robbins khẳng định rằng các mục tiêu càng cụ thể thì càng có nhiều khả năng hoàn thành hơn.
Một ví dụ đơn giản như khi bạn đặt ra mục tiêu: “Tôi muốn giảm cân” hay “Tôi muốn học hát”.
Để chuyển những mong muốn khái quát thành hành động đòi hỏi một cái gì đó cụ thể hơn là mong muốn ban đầu của bạn.
Vì vậy, thay vào đó, bạn có thể nói rằng “Tôi muốn giảm 2kg” hoặc “Tôi muốn tham gia một dàn hợp xướng âm nhạc”.
Những mục tiêu cụ thể này giúp bạn có động lực hơn khi gặp khó khăn và giúp bạn dễ dàng nhắc nhở bản thân về những gì mình đang hướng tới.
4. Hiểu tiềm năng của chính bạn
Đây là một bước khá đơn giản. Trước khi xác định mục tiêu, bạn phải hiểu được những gì có thể đạt được một cách hợp lý và nằm trong khả năng của mình.
Hai lỗi mà mọi người thường dễ mắc phải nhất là: Đặt ra những mục tiêu quá xa vời và đặt những mục tiêu quá dễ dàng.
Sử dụng những kinh nghiệm đã tích lũy, ý kiến của những người xung quanh và trực giác của bản thân để đặt mục tiêu trong tương lai chính là thách thức dành cho bạn trên con đường theo đuổi thành công.
5. Đừng dừng lại ở mục tiêu đầu tiên
Tiếp nối quan điểm trên, nếu bạn thành công khi đạt được mục tiêu đầu tiên, bạn có thể tận dụng thành công đó để tiếp tục định hình tương lai của mình.
Trong tất cả các trường hợp, mỗi khi bạn đạt được một mục tiêu, bạn sẽ càng có động lực và cảm hứng để tiến xa hơn, định hình tương lai của mình với sự chắc chắn hơn nữa.
Tuy nhiên đừng vội thỏa mãn khi bạn đánh dấu tích vào ô đầu tiên của mình, hãy tiến gần hơn đến mục tiêu cuối cùng.
Nếu bạn có thể đáp ứng một mục tiêu, tại sao không đáp ứng nhiều hơn? Hãy xem mỗi mục tiêu là một bước đệm trên con đường hướng tới thành công trong cuộc sống.
6. Đừng lo lắng nếu bạn thất bại
Nếu bạn nghĩ rằng không đạt được mục tiêu là lãng phí thời gian thì bạn đã có quan điểm sai hoặc mục tiêu sai ngay từ đầu.
Điều quan trọng là bạn đang trên con đường tìm kiếm chính mình để thiết lập những gì bạn muốn, quá trình đó ít nhiều sẽ thúc đẩy bạn và giúp bạn phát triển hoàn thiện bản thân bất kể bạn có đạt được mục tiêu mà mình đề ra hay không.
Lời khuyên của Tony Robbins quả thực rất nghiêm ngặt và đơn giản. Rõ ràng giúp bạn nghĩ ra các mục tiêu và loại bỏ những điều không đáng có ra khỏi quá trình theo đuổi ước mơ của bạn.
Nếu chẳng may bạn có vấp ngã trên con đường đi đến thành công, hãy đứng dậy, gạt đi sự sợ hãi và tập trung vào chiến thuật tiếp theo để hoàn thành mục tiêu cuối cùng bản thân hướng tới.
II/ NHỮNG CÁCH ĐỂ BIẾN MỤC TIÊU THÀNH HIỆN THỰC?
Ta biết rằng: Hầu hết các mục tiêu đều thuộc những lĩnh vực như sức khỏe (chế độ ăn), thể thao (các bài tập) chánh niệm (thiền định), kỹ năng (học hỏi), tài chính (nghề nghiệp) và sở hữu (vật chất). Một nghiên cứu của trường Đại học Scranton cho biết, chỉ có 8% dân số trên thế giới hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu của mình trong năm mới.
Việc liên tục thất bại trong quá thực hiện mục tiêu, có nghĩa là chúng ta cần phải thay đổi phương pháp thực hiện chúng. Để làm điều này, chúng ta phải hiểu được sự khác nhau giữa mục tiêu và thói quen như sau:
1. Chúng ta nên hiểu thế nào là một Mục tiêu
Mục tiêu là kết quả mà chúng ta mong muốn, có thể đo lường và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Một mục tiêu lý tưởng phải đáp ứng tiêu chí sau: Cụ thể; Đo lường được; Có thể đạt được; Có thời gian hoàn thành dự kiện.
Mục tiêu nào cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực mới có thể đạt được. Do đó, chúng có thể khiến con người thêm áp lực, thậm chí dẫn đến trầm cảm nếu liên tục thất bại. Để đạt được Mục tiêu cần con đường dài, cùng với sự giám sát, đo lường và điều chỉnh trong suốt quá trình thực hiện.
Nếu mất tập trung và bị tụt lại phía sau vì bất cứ lý do nào, chúng ta cũng sẽ cần tới rất nhiều nỗ lực để có thể quay trở lại mục tiêu đúng hướng. Thông thường, mọi người sẽ bỏ qua những mục tiêu mà mình đã thất bại. Đây chính là lý do mà tỷ lệ đăng ký tập Gym luôn giảm vào những tháng đầu năm mới.
2. Chúng ta nên hiểu thế nào là Thói quen
Thói quen là những hành động mà bạn thực hiện thường xuyên, đến mức chính bạn còn không nhận ra. Thói quen được hình thành bằng cách liên tục lặp lại một lịch trình. Chúng bắt đầu từ những nỗ lực nhỏ, kiên trì qua thời gian để dần trở thành những thói quen.
Tiến sĩ Maltz đã viết trong cuốn sách “Pschyco-Cybernetics” của mình: “Cần ít nhất 21 ngày để thói quen cũ biến mất và thói quen mới hình thành”. Thói quen là thứ tương đương đối dễ rèn luyện và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Theo nhà tâm lý học thuộc Đại Học Stanford B.J. Fogg, “thói quen nhỏ” nên được lặp lại mỗi ngày.
3. Để thực hiện Mục tiêu chúng ta nên biến Mục tiêu thành Thói quen
Chúng ta không nên coi những thứ liên quan tới sức khỏe, thể thao, chánh niệm và thậm chí cả kỹ năng chỉ đơn giản là mục tiêu. Hãy biến chúng thành thói quen hàng ngày.
Thay vì đặt mục tiêu giảm 10-20 kg trong năm nay, hãy hình thành thói quen tập thể thao trong vòng 30 phút, ít nhất 5 lần/tuần. Bạn cũng có thể tập đi bộ 10.000 bước/ngày hoặc ngừng ăn vặt. Về lâu dài, cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn nhờ duy trì những thói quen này.
Thay vì đặt mục tiêu làm chủ 5 giác quan, kiểm soát được tâm trí hay đạt tới trạng thái chánh niệm vào cuối năm 2020, bạn nên tập trung hình thành thói quen hành thiền 10 phút/ngày. Bạn sẽ đạt được những kết quả tốt hơn với phương pháp này.
Thay vì đặt mục tiêu viết 100 bài blog/ngày, hãy cố gắng hình thành thói quen viết 30 phút/ngày. Bằng cách này, bạn có thể viết nhiều hơn, thậm chí là hẳn 1-2 cuốn sách.
Thay vì đặt mục tiêu được thăng chức, hãy xây dựng thói quen làm hài lòng mọi khách hàng mà bạn gặp, cũng như giúp sếp giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải trong nhiều tuần. Nhờ đó, dù bạn không nói gì, khách hàng cũng sẽ tự động khen ngợi bạn với sếp. Bên cạnh đó, sếp cũng sẽ nghĩ rằng việc thăng chức cho bạn sẽ giúp công việc của họ trôi chảy hơn trong tương lai.
Dù có hoàn thành được mọi mục tiêu mình đề ra trong năm 2020 hay không thì trong vòng vài năm tới, bạn sẽ thấy khả năng tập trung của mình được cải thiện, khả năng hình thành thói quen được tăng cường. Qua đó, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình bình yên hơn trong tương lai.
Với những mục tiêu khác, bạn nên áp dụng tiêu chí như trên và lên kế hoạch để biến chúng thành hiện thực. Dưới đây là 6 bước bạn nên thực hiện sớm trong năm 2020 để làm được điều này.
– Lập danh sách mục tiêu
– Nhìn lại một vài năm vừa qua, tìm những mục tiêu đã có mặt trong danh sách của các năm trước
– Nghĩ xem tại sao bạn lại không thể hoàn thành những mục tiêu đó
– Nghĩ xem đâu là mục tiêu cần biến thành thói quen, kể cả khi phải mất một thời gian dài để thực hiện.
– Duy trì những thói quen này trong năm 2020 – bạn sẽ mất ít thời gian hơn để đạt được mục tiêu lớn (vì chỉ mất 21 ngày để hình thành thói quen).
– Những mục tiêu còn lại chính là những mục tiêu bạn muốn đạt được trong 2020
III/ Ý NGHĨA CỦA VIỆC ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU
Khi chúng ta làm tốt những mục tiêu mà mình đề ra, chúng ta bỗng thấy cuộc sống sao thật là tươi đẹp. Ví dụ một số mục tiêu như là:
Dậy sớm mỗi ngày để đi tập thể dục.
Viết mỗi ngày một bài trên web của mình.
Dành ra một đến hai tiếng mỗi ngày để đọc sách.
Ăn uống sạch, không ăn quá no,…
Khi chúng ta có những thói quen tốt, bỗng nhiên mọi thứ xung quanh đều trở nên tốt đẹp. Khi chúng ta có những thói quen tốt, ta thấy mình kiểm soát được cuộc đời của mình. Và thế rồi một cái gì đó xuất hiện làm gián đoạn việc thực hiện mục tiêu của ta. Ví dụ như trời lạnh quá nên bị ốm, công ty đi công tác dài ngày, bạn bè rủ đi du lịch vài hôm…Vì bị mấy hôm gián đoạn, nên bây giờ ta rất lười. Thật khó để dậy sớm đi tập thể dục, thật khó để tập trung một tiếng học tiếng Anh. Bạn thấy rất tội lỗi, nhưng vẫn lười.
Những suy nghĩ trên có quen với bạn không? Bạn đã trải qua những cảm xúc kiểu như vậy bao giờ chưa? Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số kĩ thuật giúp các bạn quyết tâm trở lại sau mỗi lần bị gián đoạn khi đang thực hiện mục tiêu nhé.
1. Đừng phản kháng
Khi mọi việc đang ổn, chúng ta theo “Guồng” cứ thế mà làm. Khi mọi chuyện đi lệch quỹ đạo một tí, ta thường tìm cách để khắc phục nó.
Thay vì dằn vặt, trách móc bản thân mỗi khi không hoàn thành được mục tiêu – có lẽ lần tới bạn nên nhẹ nhàng hơn với bản thân một chút. Chúng ta cần hiểu rằng, nếu một ngày chúng ta “quên” không đọc sách hay “quên” chưa đi tập thể dục, chưa phải ngày tận thế đâu. Người nào cũng sẽ bị những lúc như thế cả, kể cả những người thành công nhất, chứ không riêng gì mình.
Vậy nên nếu lần tới bạn lỡ chưa hoàn thành mục tiêu, đừng dằn vặt bản thân nữa nhé. Kiếm món gì đó ngon ngon để ăn, ngủ một giấc thật ngon, xem một bộ phim thư giãn một tí – rồi quay lại bắt đầu lại từ đầu, không sao cả. Đừng bao giờ lười hai ngày liên tiếp là được.
2. Tái tạo lại quá khứ
Nếu bạn đang thấy bản thân bắt đầu lười biếng và trì hoãn, có lẽ nên bắt đầu ngồi “hồi tưởng” lại quá khứ một chút.
Ngồi “hồi tưởng” lại thời điểm mà chúng ta hoàn thành mục tiêu đã đề ra, cảm giác lúc đó như thế nào, cuộc sống lúc đó ra sao.
Hồi tưởng càng cụ thể càng tốt. Ví dụ mình hồi tưởng lại tuần trước mình làm việc rất chăm chỉ, ngày nào cũng viết một bài, trả lời email rất đầy đủ, dành ra một tiếng đọc sách, dành ra một tiếng tập thể dục – và mình thấy tuần đó trôi qua với mình rất suôn sẻ, các mối quan hệ vui vẻ, có tiền để tiêu, không ốm đau bệnh tật gì, lúc nào cũng khỏe khoắn.
Rồi thử nhớ lại những lúc trong quá khứ mà bạn đã thành công xem. Cảm giác lúc thi đỗ đại học, cảm giác lúc làm xong một sự kiện trong câu lạc bộ, cảm giác kiếm được đồng lương đầu tiên, cảm giác tỏ tình được gấu chấp nhận…
Sau đó thử nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhất trong sự kiện đó xem. Khi đó mình đang mặc gì, mình dùng body language gì, khung cảnh xung quanh ra sao? Càng cụ thể càng tốt.
Những gì mình vừa hướng dẫn ở trên là cơ bản của ngôn ngữ não bộ NLP, chỉ cần luyện tập mỗi ngày 5-15 phút trò tưởng tượng này sẽ giúp cho các bạn thấy tích cực và có thêm cảm hứng để làm việc đấy.
3. Tập trung vào quá trình, đừng để ý kết quả
Mình có một một suy nghĩ rất đơn giản: Cứ làm đủ thời gian mỗi ngày, tự nhiên mọi việc sẽ tốt.
Thay vì đặt mục tiêu “Học giỏi tiếng Anh” hay “Thi IELTS 8.0”, mình tính toán và đặt mục tiêu:
Mỗi ngày học tiếng Anh một tiếng trong 3 tháng. Sau khoảng thời gian này, nếu chưa có giỏi hay IELTS chưa có được 8.0, mình vẫn vui vì đã cố gắng trong 3 tháng.
Mỗi ngày đi tập thể dục 1 tiếng. Không được 6 múi thì chắc chắn cũng khỏe ra.
Mỗi ngày phấn đấu không ăn đồ dầu mỡ và nhiều đường. Cơ thể chưa gầy nhưng chắc chắn sẽ không bị quá mập.
Mỗi ngày đọc 30 trang sách. Cuối năm đếm lại số sách bạn đọc được, bạn sẽ ngạc nhiên lắm đấy.
Khi theo đuổi mục tiêu, hãy làm mỗi ngày. Ít cũng được, nhưng hãy làm hàng ngày.
4. Lên kế hoạch tỉ mỉ cho một ngày
Nếu sáng dậy và bạn hỏi “Hôm nay mình làm gì nhỉ?”, thì bạn chưa thể làm việc hiệu quả được rồi. Hãy lên kế hoạch cho một ngày rất đơn giản theo các bước sau:
Xem lại mục tiêu một tháng tới của mình là gì. Nếu chưa có mục tiêu, ngồi xuống đặt mục tiêu liền thôi. Nghĩ về việc gì cần làm mỗi ngày, có liên quan đến mục tiêu đấy. Chọn một khung giờ để hoàn thành việc trên. Sau đó lên lịch cho gia đình, bạn bè, nghỉ ngơi, đọc sách…
Cuối cùng, hôm nay là ngày 01 tháng Giêng năm Canh tý, là ngày đầu năm mới chúc mọi người có nhiều quyết tâm để thực hiện từng kế hoạch nhỏ của mình để rồi cuối năm đạt được mục tiêu lớn mà mình đã đặt ra. Chúc một năm mới thành công đến với mọi người.
SƯU TẦM