CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

BẠN ĐÃ BIẾT NHỮNG HIỆU ỨNG TÂM LÝ CÓ KHẢ NĂNG QUÉT BAY TÀI KHOẢN CỦA BẠN TRONG CHỚP MẮT?


Thật thú vị khi nói đến tâm lý – yếu tố chiếm đến hơn 60% trong sự thành công của một Nhà đầu tư. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, công việc đầu tư chứng khoán chỉ xoay quanh việc phân tích các báo cáo tài chính, các dự án của công ty chúng ta quan tâm, biểu đồ với mấy cây nến nhảy lên nhảy xuống,…. Nhưng thứ thật sự nhảy múa, chính là tâm lý của Nhà đầu tư. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét chủ đề về các hiệu ứng tâm lý phổ biến nguy hiểm trong Đầu tư chứng khoán.

1. FOMO

FOMO là Fear of missing out, hiệu ứng giải thích cho tâm lý sợ bỏ lỡ một cơ hội nào đó. Đây là hội chứng xảy ra ở rất nhiều kênh đầu tư chứ không riêng gì chứng khoán. Câu chuyện tiền ảo, đa cấp đổ bể gần đây đã cho thấy fomo tác động mạnh mẽ như thế nào đến quyết định của các nhà đầu tư. Fomo chính là tác nhân tạo nên cái gọi là tâm lý bầy đàn. Một khi bị dính hiệu ứng này, bạn sẽ không còn quan tâm đến việc phân tích thị trường hay phân tích bản chất tốt xấu của cái mình đang định đầu tư nữa, tất cả những gì bạn quan tâm, là chớp lấy cái cơ hội mà rất nhiều người ngoài kia đang đua nhau có được. Thế nên rất nhiều người đua nhau tham gia đa cấp để hưởng cái lãi suất trên trời mà không một ngành nghề nào có thể tạo ra nổi, họ tham gia mua một đồng tiền ảo mà không cần biết nguồn gốc xuất xứ của đồng tiền ảo đó. Trên thị trường chứng khoán bạn dễ dàng nhận ra ở những giai đoạn sóng cổ phiếu rác, họ biết nó là rác nhưng vẫn đua giá trần.

2. FUD

FUD viết tắt của Fear – Uncertainty – Doubt. Ngắn ngọn thì FUD ngược lại với FOMO. với FUD, bạn sẽ lo lắng, sợ hãi rằng, sắp có một thứ kinh khủng khiếp nào đó sắp nổ ra. Bán! Bán! Bán lẹ đi bà con! là câu cửa miệng của những ai dính FUD dù thực tế trên thị trường chưa có gì thực sự nghiêm trọng cả, có thể đó chỉ mới là tin xấu, hoặc tin đồn.

Thị trường chứng khoán đã có rất nhiều ví dụ của sự tác động FUD. Công ty ABC nào đó dính 1 tin xấu hoặc scandal của ông chủ tịch, thế là cổ đông nháo nhào bán tháo cổ phiếu, khiến giá của ABC rớt cái ạch, tất cả nhao nhao lên rằng: “Sắp sụp rồi, sao còn không lo bán?” Vài tháng sau ABC tiếp tục tăng trưởng vì đơn giản cái bad news kia chỉ là gãi ngứa so với tiềm lực giá trị công ty. Chắc hẳn các bạn còn nhớ cổ phiếu của ngân hàng ACB đã giảm kịch sàn thế nào trong ngày bầu Kiên bị bắt và vài năm sau tính cả cổ tức cổ phiếu này đã tăng giá gấp 3 lần.

3. Hot Hand

Hiệu ứng này xảy ra khi Nhà đầu tư có một chuỗi giao dịch thắng. Hot hand bắt nguồn từ môn bóng rổ và được hiểu như sau: Nếu 1 cầu thủ bóng rổ liên tục ghi điểm, thành một chuỗi ấy, thì khán giả sẽ tin rằng, cú ném tiếp theo của cầu thủ này chắc chắn sẽ có điểm, kiểu như họ tin rằng 100% sẽ lọt lưới. Người đầu tư cũng thường mắc phải tâm lý này. Nếu Nhà đầu tư sau 10 giao dịch thắng, Anh ta nghĩ lệnh tiếp theo chắc chắn sẽ thắng và bắt đầu dồn toàn bộ vốn của mình đang có để vào lệnh và đột nhiên lần này lại không như anh ta nghĩ, bùm một cái toàn bộ tài khoản mà anh ta tích lũy từ trước đến nay bay sạch.

4. NEO

NEO được ví  giống như cái neo tàu vậy, nó sẽ móc thẳng vào tâm trí của Nhà đầu tư. Hiệu ứng này được giải thích như sau: Bạn vừa mới tham gia thị trường, giao dịch đầu tiên bạn thắng ngay, thật tuyệt vời phải không, bạn rất vui sướng vì có kết quả tốt trong lần đầu tiên. Thế rồi bạn bắt đầu giao dịch nhiều hơn nhưng chả hiểu như nào mà liên tiếp những giao dịch sau đó lại thất bại. Bạn tức tối, và tìm mọi cách để gỡ lại ít nhất 1 lần giao dịch thắng. Chúc mừng, bạn đã dính NEO!

Kết quả giao dịch đầu tiên sẽ tác động mạnh vào tâm lý bạn. Bạn luôn tìm cách để tái hiện lại nó. Nếu có được giao dịch đầu tiên thắng thì bạn sẽ tìm mọi cách để chứng minh rằng, bạn luôn đúng. Còn nếu là giao dịch thua đầu tiên, thì bạn luôn hồi hộp, sợ hãi không dám vào lệnh hoặc, cắt lỗ hoặc chốt lời quá nhanh. Nói chung đã dính neo thì kiểu nào cũng khổ.

5. Thả thính

Hiệu ứng này giải thích cho việc dính bẫy của Nhà đầu tư chứng khoán.

Trên thị trường với các cổ phiếu có thanh khoản lớn thì phần lớn có các đội lái đứng sau tạo lập giá của cổ phiếu đó, nhằm mục tiêu của mình, họ thả thính để dụ dỗ các nhà đầu tư khác tham gia cổ phiếu đó để đẩy giá cổ phiếu bằng nhiều cách khác nhau như tạo các tín hiệu giả: Điểm bùng nổ (break out) giả, điểm đảo chiều giả, tạo các mô hình cốc tay cầm, vai đầu vai,… nói chung đủ mọi kiểu giả. Và nhà đầu tư chứng khoán nếu thiếu kinh nghiệm, không đủ bình tĩnh sẽ rơi ngay vào bẫy của họ và cứ thế dâng tiền cho họ.

Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho các bạn, những nhà đầu tư chứng khoán cá nhân tự biết cách bảo vệ đồng vốn quý giá của mình trước khi nghĩ đến việc làm giàu nhanh chóng.

 

 

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN VÀ ĐẦU TƯ TVT

Địa chỉ: Nhà số 6 – Ngõ 293/32 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ – Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội;

Điện thoại: 0912265075

E-mail: contact@tvtinvest.com

Website: http://tvtinvest.com